Quan chức Nga: Chuỗi chỉ huy hạt nhân của Mỹ đứt gãy
(Dân trí) - Một quan chức an ninh cấp cao Nga đặt ra câu hỏi về chuỗi chỉ huy hạt nhân ở Mỹ sau báo cáo về tình hình sức khỏe của Tổng thống Mỹ Joe Biden và việc Bộ trưởng Quốc phòng bí mật nhập viện.
"Câu hỏi này ngày càng trở nên cấp bách hơn. Đặc biệt, sau khi công tố viên đặc biệt Robert Hur công bố báo cáo điều tra vụ Tổng thống Mỹ Joe Biden xử lý tài liệu mật. Báo cáo mô tả ông Biden có trí nhớ kém, trong nhiều trường hợp có thể không nhớ được chi tiết", Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Mikhail Popov nói trong cuộc phỏng vấn với báo Izvestiya được công bố ngày 14/2.
Ông bình luận thêm, ngoài vấn đề tuổi tác của người đứng đầu chính phủ Mỹ, việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phải điều trị ung thư "làm dấy lên câu hỏi về hệ thống an ninh toàn cầu cũng như hệ thống ra mệnh lệnh ở quốc gia này.
"Trong trường hợp cần thiết, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Mỹ sẽ được đưa ra như thế nào", ông nêu ra giả thuyết.
"Bộ trưởng Quốc phòng không có ở đó, và không ai biết ông ấy ở đâu và ai sẽ thay thế ông ấy. Báo chí nói rằng ông ấy đã ủy quyền một số nhiệm vụ cho Thứ trưởng Kathleen Hicks. Nhưng lúc đó cô ấy đang đi nghỉ ở Puerto Rico", quan chức Nga nói thêm.
Ông cũng nhắc lại một sự việc xảy ra trong Chiến tranh Lạnh khi một thiếu tá Không quân Mỹ bị cách chức vì đặt câu hỏi làm sao ông ta có thể biết liệu lệnh phóng hạt nhân có phải do "một tổng thống tỉnh táo" đưa ra hay không.
Tổng thống Mỹ có thẩm quyền duy nhất để cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này. Tổng thống có thể thảo luận về các lựa chọn với các quan chức hàng đầu của quân đội.
Các cố vấn sau đó sẽ được yêu cầu truyền và thực hiện các lệnh cho phép sử dụng hạt nhân. Lệnh sẽ chuyển qua các cấp bậc để các quân nhân điều khiển các thiết bị trong silo, tàu ngầm hoặc trên không.
Nói cách khác, trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ có một chuỗi chỉ huy. Bộ trưởng quốc phòng là mắt xích quan trọng trong chuỗi chỉ huy giữa tổng thống và quân đội, bao gồm cả việc chỉ huy hạt nhân