1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo Italy: NATO vạch 2 lằn ranh đỏ can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cho là đã bí mật đưa ra 2 điều kiện có thể khiến liên minh này can thiệp trực tiếp vào xung đột giữa Nga và Ukraine.

Báo Italy: NATO vạch 2 lằn ranh đỏ can thiệp trực tiếp vào xung đột Ukraine - 1

Binh sĩ NATO (Ảnh minh họa: AFP).

Báo La Repubblica của Italy ngày 5/5 dẫn một tài liệu bí mật của NATO cho biết, liên minh này đã "thiết lập ít nhất hai ranh giới đỏ, để nếu tình hình vượt quá những giới hạn đó, NATO sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Nguồn tin nói rằng, NATO coi những lằn ranh đó là "giải pháp cuối cùng" trong bối cảnh phương Tây lo ngại nguy cơ phòng tuyến của Ukraine sụp đổ trước làn sóng tấn công của Nga.

Lằn ranh đỏ đầu tiên được cho là liên quan đến "sự can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp của nước thứ ba", ví dụ như Belarus, vào cuộc xung đột Ukraine. Ở kịch bản này, Nga có thể đã chọc thủng các tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine gần biên giới Ukraine - Belarus.

Lằn ranh đỏ thứ hai được cho là có liên quan đến một "sự khiêu khích quân sự" có thể xảy ra đối với Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic hoặc các hành động quân sự chống lại Moldova.

Nếu một trong hai ranh giới đỏ này bị vượt qua, NATO không loại trừ khả năng triển khai khoảng 100.000 quân đồn trú ở Hungary, Ba Lan, các nước vùng Baltic, Romania và Slovakia.

Mặt khác, NATO hiện "không có bất kỳ kế hoạch hoạt động nào" để gửi một đội quân tới Ukraine vì liên minh này đang phải "đánh giá các hành động có thể có của mình trong các tình huống khẩn cấp", báo La Repubblica cho biết.

Các nước phương Tây đã hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở nước láng giềng vào tháng 2/2022.

Moscow liên tục yêu cầu phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev, nói rằng điều đó sẽ khiến xung đột Ukraine leo thang hơn nữa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ và NATO đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Ukraine vì họ không chỉ cung cấp vũ khí cho Kiev mà còn đào tạo quân nhân Ukraine ở Anh, Đức và Italy.

Tuy nhiên, phương Tây bác bỏ cáo buộc này. Đa số các nước phương Tây cũng phản đối ý tưởng triển khai quân đến Ukraine do lo ngại một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga có thể kéo theo thế chiến.

Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh tuyên bố tiếp tục các hình thức hỗ trợ hiện nay cho Ukraine, cung cấp cho Kiev những thứ họ cần để ngăn Moscow giành chiến thắng.

Trong một diễn biến liên quan khác, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 4/5 cho biết, Ukraine có thể sẽ tiến hành một đợt phản công mới vào năm 2025 dựa vào gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ cũng như viện trợ của các đồng minh, đối tác phương Tây.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Mỹ  đang dẫn đầu các cuộc đàm phán của nhóm nước G7 để phát triển gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá lên tới 50 tỷ USD.

Ông Sullivan nhận định, bất chấp sức ép ngày càng tăng từ một cuộc tấn công mùa hè tiềm tàng của Nga, Ukraine vẫn có khả năng "giữ phòng tuyến" khi nước này phải đối mặt với giai đoạn khó khăn của cuộc chiến trong vài tháng tới với vũ khí sắp được Mỹ cung cấp.

Theo Sputnik