Ngân hàng Mỹ: Nền kinh tế Nga ứng phó với khủng hoảng tốt hơn dự báo
(Dân trí) - Ngân hàng đầu tư Mỹ JPMorgan Chase cho biết, nền kinh tế Nga đang ứng phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine tốt hơn so với dự đoán trước đó.
Theo ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ JPMorgan Chase, các cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh ở Nga "đang báo hiệu một cuộc suy thoái không quá nghiêm trọng ở nước này, và do đó chứng tỏ nền kinh tế Nga đang đối phó với các lệnh trừng phạt một cách tốt hơn dự đoán".
JPMorgan Chase cũng trích dẫn các chỉ số dự báo như lượng điện tiêu thụ và dòng tiền, cho thấy nền kinh tế Nga đang ở trong tình trạng tốt hơn so với các dự báo trước đây.
"Dữ liệu hiện có không chỉ ra những sự sụt giảm đột ngột trong các hoạt động của nền kinh tế, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại", báo cáo của JPMorgan Chase cho biết thêm.
Chính vì vậy, JP Morgan Chase đã điều chỉnh các dự đoán tăng trưởng của Nga theo chiều hướng tích cực hơn. Trước đó, JPMorgan Chase dự báo GDP của Nga sẽ giảm 35% trong quý II và 7% trong cả năm 2022. Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ cũng lưu ý rằng tác động của các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai vẫn sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Nga.
"Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Chỉ số GDP vì vậy có khả năng vẫn sẽ tiếp tục sụt giảm. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng một cuộc khủng hoảng trầm trọng như dự đoán sẽ không diễn ra", các chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase cho hay.
Bên cạnh đó, JPMorgan Chase cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế của Nga sẽ ở tình trạng tốt hơn nhiều nếu Moscow không phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga đã phải đối mặt với những lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong số những biện pháp được đưa ra, các lệnh cấm vận dầu mỏ và các chế phẩm liên quan mà Mỹ và phương Tây đã để lại những hậu quả nặng nề lên nền kinh tế Nga. Dầu mỏ và khí đốt là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Nga và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho nước này.
Ngoài ra, phương Tây cũng đã loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và hành động này làm các giao dịch của Nga với nước ngoài bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa hết, việc trừng phạt các cá nhân và tổ chức Nga đã làm cho gần một nửa lượng dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng ở nước ngoài. Trong những diễn biến gần đây, các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu đã tiết lộ rằng Liên minh này đang cân nhắc tịch thu các tài sản đóng băng của Nga tại châu Âu để thanh toán cho các nỗ lực tái thiết Ukraine.