1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - Ukraine lại tranh cãi về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi

Thanh Thành

(Dân trí) - Các luật sư của Ukraine tại tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc hôm 12/6 đã bác bỏ giải thích của Nga về vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi, coi đó là "thuyết âm mưu lan man".

Nga - Ukraine lại tranh cãi về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi - 1

Một phiên tòa xét xử vụ MH17 bị bắn rơi (Ảnh: AFP).

Theo các nguồn tin, Ukraine đồng thời cáo buộc Moscow ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine từ năm 2014.

Kiev nói rằng, Moscow đã vi phạm Hiệp ước Chống khủng bố của Liên hợp quốc bằng cách trang bị và tài trợ cho các lực lượng thân Nga, bao gồm cả phe ly khai đã bắn rơi máy bay mang số hiệu MH17.

Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Mỹ và các đồng minh châu Âu lập tức tuyên bố Nga chịu trách nhiệm cho thảm kịch này và áp đặt loạt biện pháp trừng phạt, nhưng không đưa ra được bằng chứng rõ ràng. Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc. 

Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu được thành lập ngay sau tai nạn, do Hà Lan dẫn đầu và có sự tham gia của các nước Ukraine, Bỉ, Australia. Nga đề xuất tham gia cuộc điều tra nhưng bị từ chối. 

Tháng 11/2022, một tòa án Hà Lan đã kết án vắng mặt 2 người Nga và 1 người Ukraine án tù chung thân vì vai trò của họ trong việc bắn hạ máy bay này. Nga vào thời điểm đó đã bác bỏ quyết định của tòa án Hà Lan.

Tuần trước, trong các phiên điều trần trước Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Nga cho biết cáo buộc vụ MH17 của Ukraine dựa trên "điều vô lý" và đưa ra một loạt lời giải thích khác cho những gì đã xảy ra.

Vào hôm 12/6, các luật sư của Ukraine đã đáp trả. Một trong số đó, luật sư Marney Cheek nói với tòa án rằng, "Nga đang bị ảnh hưởng bởi một thuyết âm mưu lan man" về vụ bắn hạ MH17.

Kiev đã yêu cầu tòa án kết tội Moscow vi phạm các nghĩa vụ theo hiệp ước và buộc phải trả tiền bồi thường.

Nga phủ nhận các cáo buộc, nói rằng họ đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước của Liên hợp quốc về chống tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Nga sẽ có cơ hội cuối cùng để đáp trả các cáo buộc của Ukraine trong phiên tòa ngày 15/6 tới.

Vụ kiện của ICJ bắt đầu từ năm 2017 và được đệ trình trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tòa dự kiến sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ việc trước cuối năm nay.

Theo Reuters