1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tòa Hà Lan: Máy bay MH17 bị tên lửa do Nga sản xuất bắn hạ

Thành Đạt

(Dân trí) - Tòa án ở Hà Lan ngày 17/11 tuyên bố, tên lửa do Nga sản xuất đã bắn hạ máy bay MH17 chở 298 người ở miền Đông Ukraine năm 2014.

Tòa Hà Lan: Máy bay MH17 bị tên lửa do Nga sản xuất bắn hạ - 1

Phiên tòa xét xử các nghi phạm liên quan vụ rơi máy bay MH17 ở Hà Lan năm 2021 (Ảnh: Reuters).

"Tòa án cho rằng MH17 bị bắn hạ bởi một tên lửa BUK từ một cánh đồng nông trại gần Pervomaisk, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng," Chủ tọa phiên tòa Hendrik Steenhuis cho biết hôm 17/11.

Tòa cho biết Nga kiểm soát lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine vào thời điểm thảm kịch xảy ra. "Từ nửa tháng 5/2014, Nga toàn quyền kiểm soát Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng", ông Steenhuis nói thêm.

Tòa án ở Hà Lan đã kết án 3 nghi phạm có liên quan tới vụ rơi máy bay MH17. Những người bị kết án, gồm hai cựu sĩ quan tình báo Nga và một thủ lĩnh phe ly khai Ukraine, bị kết tội bắn rơi máy bay khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.

Cả ba nghi phạm trên đều bị kết án chung thân vắng mặt. Họ cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 16 triệu Euro cho gia đình nạn nhân. Nghi phạm thứ tư trong phiên tòa được tuyên bố trắng án.

Tòa Hà Lan: Máy bay MH17 bị tên lửa do Nga sản xuất bắn hạ - 2

Mảnh vỡ tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17 (Ảnh: Reuters).

Năm 2019, Nhóm Điều tra Chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu thông báo khởi tố 4 nghi phạm gồm 3 người Nga và 1 người Ukraine. Danh tính của 3 nghi phạm người Nga được xác định lần lượt là Sergey Dubinsky, Oleg Pulatov và Igor Girkin, còn nghi phạm người Ukraine là Leonid Kharchenko.

Các nhà điều tra cho biết nghi phạm Girkin là cựu đại tá thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), Dubinskiy là đối tượng được cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) thuê, còn Pulatov là cựu binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm Nga (Spetsnaz-GRU). Trong khi đó, nghi phạm Kharchenko không xuất thân từ quân đội, song đối tượng này được cho là từng dẫn đầu một đơn vị chiến đấu ở Donetsk vào tháng 7/2014.

Máy bay Boeing 777 mang số hiệu chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17/7/2014 khi đang trong hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia). Vụ việc khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn từ 10 quốc gia khác nhau thiệt mạng, trong đó chủ yếu là công dân Hà Lan.

Năm 2018, các nhà điều tra đã tuyên bố máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi bởi một tên lửa được phóng từ một bệ phóng thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Nga. Moscow đã nhiều lần bác bỏ có liên quan tới vụ việc này, đồng thời cho rằng chính các lực lượng Ukraine đã bắn rơi MH17.

Nga lên tiếng bác bỏ

Bộ Ngoại giao Nga ngày 17/11 tuyên bố, quyết định của tòa án ở Hà Lan về vụ MH17 hoàn toàn mang tính chính trị. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tòa án Hà Lan "chịu áp lực chưa từng có" trong các phiên điều trần.

"Không thể nói về tính khách quan và công bằng trong những trường hợp như vậy", Bộ Ngoại giao Nga nói thêm, đồng thời chỉ ra những nỗ lực của "các chính trị gia, công tố viên và phương tiện truyền thông Hà Lan nhằm áp đặt một phán quyết có động cơ chính trị" trong trường hợp này.

Bộ Quốc phòng Nga năm 2019 đã công bố tài liệu cho biết, số seri trên mảnh vỡ tên lửa Buk bị cho là đã bắn rơi máy bay MH17 cho thấy nó được sản xuất tại một nhà máy quân sự ở Dolgoprudny, Moscow, Nga vào năm 1986. Vào ngày 29/12/1986, tên lửa này đã được chuyển ra khỏi nhà máy và đưa tới một đơn vị quân đội ở khu vực mà nay thuộc Ukraine. Đơn vị này hiện có tên gọi là trung đoàn phòng không 223 thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, đây là bằng chứng nhằm bác bỏ cáo buộc của các bên cho rằng, tên lửa bắn rơi MH17 được phóng đi từ một bệ phóng do Nga bí mật chuyển đến cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine.

Theo RT