1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Nga tính phạt binh sĩ dùng điện thoại thông minh khi tác chiến ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nhà làm luật của Nga đang xem xét một dự luật nhằm trừng phạt các binh sĩ nước này sử dụng điện thoại thông minh khi đang chiến đấu ở Ukraine.

Nga tính phạt binh sĩ dùng điện thoại thông minh khi tác chiến ở Ukraine - 1

Binh sĩ Nga ở vùng Zaporizhia (Ảnh: TASS).

Hạ viện Nga đã đề xuất trừng phạt các binh sĩ Nga bị bắt quả tang sử dụng điện thoại thông minh khi chiến đấu ở Ukraine, trong bối cảnh có mối lo ngại ngày càng gia tăng rằng các thiết bị điện tử có thể tiết lộ vị trí của quân đội trên chiến trường.

Theo dự thảo luật được Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga ủng hộ, việc binh sĩ mang theo điện thoại di động có kết nối internet dữ liệu sẽ bị coi là "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" nếu hành động này có nguy cơ làm lộ vị trí của đơn vị. Người vi phạm có thể bị bắt giữ từ 10 tới 15 ngày tùy số lần vi phạm. 

Dự luật cũng sẽ cấm sử dụng các thiết bị điện tử khác cho phép ghi video, ghi âm và truyền dữ liệu định vị địa lý.

Trong thời gian qua, quân đội Nga và Ukraine được cho là đã sử dụng điện thoại di động của binh sĩ đối phương để xác định mục tiêu trong cuộc chiến, thu thập dữ liệu từ ảnh và tin nhắn để theo dõi tọa độ và tiến hành tấn công.

Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) từng cáo buộc Nga đã tìm cách xâm nhập vào máy tính bảng được Kiev sử dụng để "lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu".

Trong khi đó, năm ngoái, Ukraine từng thực hiện vụ tấn công nhằm vào nơi tập trung quân đội Nga ở Makiivka. Phía Nga khi đó thừa nhận nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc là do Moscow bị lộ vị trí vì binh sĩ sử dụng điện thoại di động.

Thông tin Hạ viện Nga xem xét về dự luật đã gây ra phản ứng trái chiều. Ngoài những ý kiến ủng hộ vì an toàn của đơn vị quân đội, một số cho rằng, việc cấm binh sĩ sử dụng điện thoại thông minh là không khả thi trong thời đại công nghệ thông tin như hiện tại. Họ gợi ý Nga có thể tạo ra thiết bị ngăn chặn việc làm lộ thông tin tiền tuyến, thay vì cấm tuyệt đối.

Theo quy trình lập pháp của Nga, các dự thảo luật trước tiên phải được Hạ viện xem xét trước khi được chuyển lên Thượng viện. Thượng viện không thể sửa đổi các dự luật đã được Hạ viện thông qua nhưng có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ chúng.

Theo Yahoo
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine