Nga tiết lộ cặp vũ khí đã "bắn rơi 33% số tiêm kích của Ukraine"
(Dân trí) - Một tướng Nga cho biết, 2 loại tên lửa phòng không của nước này đã bắn rơi 33% tổng số tiêm kích mà Ukraine bị mất kể từ đầu chiến sự tới nay.
Trả lời phỏng vấn Krasnaya Zvezda - tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Tư lệnh Lục quân Nga Oleg Salyukov cuối tháng qua tiết lộ rằng, 1/3 số tiêm kích mà quân đội Ukraine mất từ đầu chiến sự tới nay là do 2 loại tên lửa phòng không vác vai Igla-S và Verba của Moscow.
"Trong trường hợp các mục tiêu trên không của Ukraine xuất hiện ở độ cao thấp và cực thấp, các tên lửa phòng không vác vai Igla-S và Verba đã chứng tỏ khả năng tác chiến hiệu quả, đạt hiệu quả bắn rơi 1/3 số máy bay chiến đấu có người lái của Ukraine bị phá hủy (từ đầu chiến sự tới nay)", ông Salyukov cho hay.
Ngoài ra, ông Salyukov nhấn mạnh vai trò của các hệ thống phòng không tầm ngắn và trung của Nga - những khí tài mà ông cho là rất cần để bảo vệ lực lượng mặt đất trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Cụ thể, theo ông Salyukov, các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300V4, Buk-M2 (M3) và Tor-M2 (M2U) đã cho thấy hiệu quả đánh chặn cao nhất tại Ukraine.
Cả 2 tổ hợp Igla-S và Verba đều được sử dụng để chống lại phi cơ di chuyển tầm thấp, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Igla là một tổ hợp phòng không vác vai điều khiển bằng hồng ngoại. Nó có tầm hoạt động 5,2km, trần bay 3,5km và tốc độ 850m/s, khoảng Mach 3,5 (gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh).
Trong khi đó, Verba tầm bắn cao linh động từ 10m đến 4,5km và có thể nhắm trúng mục tiêu ở khoảng cách 6km.
Trong cuộc chiến kéo dài hơn 7 tháng ở Ukraine, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) đã gây ra mối đe dọa lớn trên chiến trường. Không chỉ Nga, Ukraine cũng triển khai 2 loại MANPADS chính là bao gồm tên lửa Igla được sản xuất từ thời Liên Xô và tên lửa Stinger được phương Tây viện trợ.
Với tên lửa Igla, Ukraine cũng đã gây ra không ít thiệt hại cho phía Nga, và MANPADS được cho đã giúp Kiev một phần trong việc ngăn Moscow kiểm soát hoàn toàn vùng trời. Ukraine từng đăng một số video mà Kiev mô tả là tên lửa MANPADS của họ bắn rơi một số mục tiêu trên không của Nga.
Tuy nhiên, các tổ hợp MANPADS sẽ không được triển khai hiệu quả nếu thiếu đi các hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao. Sự xuất hiện của các lá chắn này sẽ buộc máy bay đối thủ phải hạ xuống tầm thấp để tránh bị đánh chặn, tạo điều kiện cho MANPADS tìm diệt mục tiêu trong tầm tấn công.
Sự bố trí của các hệ thống phòng không nhiều lớp xa - gần, cao - thấp khiến mục tiêu áp đảo phòng không đối phương (SEAD) trở nên không dễ dàng. Đây được xem là một phần nguyên nhân mà giới quan sát cho rằng Nga chưa kiểm soát được hoàn toàn không phận của Ukraine trong hơn 7 tháng qua.
Dù vượt trội hơn Ukraine về tiềm lực quân sự nhưng Nga không thể đặt dàn tiêm kích và phi cơ của họ rơi vào kịch bản rủi ro trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực lớn và lâu dài. Điều này dường như lý giải vì sao Nga không chọn thực hiện chiến thuật SEAD tại Ukraine.