Nga tiếp tục rút quân gần Ukraine bất chấp hoài nghi của phương Tây
(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "sẵn sàng đàm phán" và Moscow cũng bắt đầu rút binh sĩ khỏi Crimea.
"Tổng thống Putin luôn đề xuất đàm phán và ngoại giao", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 14/2. Ông Peskov nói thêm rằng chính Điện Kremlin ngay từ đầu đã "đề xuất vấn đề đảm bảo an ninh".
"Ukraine chỉ là một phần của vấn đề, đó là một phần của vấn đề lớn hơn về đảm bảo an ninh cho Nga", người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.
Bình luận của ông Peskov đã nhận được phản ứng tích cực từ Washington. Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng hoan nghênh cơ hội đối thoại với Nga.
"Chúng tôi luôn cởi mở với các biện pháp ngoại giao. Như chúng tôi đã nói, cánh cửa ngoại giao vẫn đang rộng mở, đó là những gì chúng tôi muốn hướng tới", quan chức Nhà Trắng nói thêm.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh mong muốn của Moscow về việc đối thoại hiệu quả với phương Tây.
"Chúng tôi sẽ xúc tiến đối thoại về các vấn đề quan trọng với các đồng nghiệp phương Tây, chủ yếu là Mỹ", ông Lavrov tuyên bố.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay 16/2 tuyên bố cuộc tập trận quân sự ở bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ Nga sáp nhập từ năm 2014, đã kết thúc.
"Sau khi hoàn thành cuộc tập trận chiến thuật, các đơn vị của quân khu phía nam đang trở về các điểm đồn trú thường trực", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Truyền hình nhà nước Nga phát sóng hình ảnh các đơn vị quân đội đi qua cây cầu nối bán đảo Crimea với đất liền.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết xe tăng, xe chở binh sĩ và pháo binh đã rời Crimea bằng tàu hỏa.
Cuộc tập trận tại Crimea kết thúc một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã hoàn tất một số cuộc tập trận quân sự ở Belarus, gần biên giới Ukraine và bắt đầu rút về vị trí triển khai thường trực.
Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei hôm nay cho biết sẽ không có binh sĩ Nga nào ở lại Belarus sau cuộc tập trận quân sự chung của 2 nước ở gần biên giới Ukraine.
"Không một binh sĩ hoặc một đơn vị thiết bị quân sự nào của Nga ở lại lãnh thổ Belarus sau cuộc tập trận", ông Makei phát biểu trong cuộc họp báo tại Minsk.
Ông cho biết cả Bộ Quốc phòng và Tổng thống Belarus đều nói rõ điều này trước đây. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn lo ngại Nga vẫn có thể phát động một cuộc tấn công vào Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/2 nói rằng một cuộc tấn công của Nga "nhiều khả năng" vẫn xảy ra.
Ông Biden nói rằng mặc dù Nga tuyên bố rút quân, nhưng Washington và các đồng minh vẫn chưa thể xác minh thông tin này. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo hơn 150.000 binh sĩ Nga vẫn đang tập trung gần biên giới Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Nga đã rút các vũ khí hạng nặng khỏi biên giới với Ukraine. Thủ tướng Anh cũng hoài nghi tuyên bố rút quân của Nga.
"Chúng tôi thấy các bệnh viện dã chiến của Nga đang được xây dựng ở Belarus, gần biên giới với Ukraine. Điều đó chỉ có thể được hiểu là Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Theo thông tin tình báo mà chúng tôi đang thấy, có thêm nhiều nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga được đưa đến gần biên giới với Ukraine", ông Johnson nói.