Nga sẽ bị tác động ra sao nếu G7 cấm vận kho vàng?
(Dân trí) - Ngoài các lệnh cấm vận nhằm vào năng lượng Nga, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 sẽ tiếp tục cấm mặt hàng quan trọng khác của Moscow: Vàng.
AP đưa tin, G7 ngày 28/6 sẽ công bố lệnh cấm với vàng nhập khẩu từ Nga. Đây sẽ được xem là lệnh trừng phạt mới nhất với Moscow vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine trong hơn 4 tháng qua.
Mỹ cho rằng, Nga đã và đang sử dụng vàng để hỗ trợ đồng rúp nhằm giảm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt khác. Một cách để làm việc đó là đổi vàng lấy một đồng ngoại tệ có tính thanh khoản cao hơn và không bị chịu lệnh cấm vận của phương Tây.
Theo AP, giới quan sát đã đưa ra ý kiến trái chiều về động thái này. Một số chuyên gia cho rằng, vì chỉ có một số nước ban lệnh cấm vàng Nga, nên động thái này có thể chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, một số ý kiến khác nhận định, việc cấm vàng Nga có thể tác động tới khả năng kết nối của Moscow với hệ thống tài chính quốc tế.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, vì vàng là mặt hàng xuất khẩu sinh lời lớn thứ hai của Nga sau năng lượng và gần 90% doanh thu từ các nước G7, nên "việc cắt bỏ vàng khiến Nga không tiếp cận với khoản 19 tỷ USD doanh thu mỗi năm - đó là một con số lớn".
"Nga sẽ thiếu ngân sách để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và ngành công nghiệp thăm dò năng lượng", ông Blinken nói.
Mặc dù Nga vẫn có thể bán vàng cho các quốc gia ngoài G7, nhưng việc bị các nước công nghiệp lớn tẩy chay sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng cả Moscow trong việc thu về lợi nhuận xuất khẩu.
Chris Weafer, nhà phân tích kinh tế Nga tại công ty tư vấn Macro-Advisory, cho biết, Nga đang dựa vào nguồn lợi từ xuất khẩu để duy trì đất nước và ổn định nền kinh tế sau khi họ bị hứng "bão trừng phạt" sau ngày 24/2 - khi Nga thông báo đưa quân vào Ukraine.
Từ tháng 3, Mỹ và các đồng minh đã cấm các giao dịch tài chính với ngân hàng trung ương Nga có liên quan tới vàng. Mục tiêu của lệnh trừng phạt này là ngăn Nga tiếp cận với kho vàng dự trữ đặt ở nước ngoài.
Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn rằng các cá nhân Mỹ, bao gồm đại lý vàng, nhà phân phối, người bán buôn, người mua và các tổ chức tài chính bị cấm mua, bán hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch liên quan đến vàng của Nga hoặc các thực thể đã bị trừng phạt.
Mục tiêu của lệnh trừng phạt nhằm vào vàng của Nga là nhằm cô lập Moscow về mặt kinh tế nhằm khiến Nga cạn kiệt ngân sách cấp cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Trong cuộc họp với các lãnh đạo G7 ở Đức, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định, lệnh cấm mới với vàng của Nga có thể sẽ "gây ra tổn thương trực tiếp cho giới tài phiệt của Moscow" và tác động tới ngân sách quân sự của Nga.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng nhận định, lệnh cấm là cách để ngăn chặn Nga tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu, nhằm dồn thêm áp lực lên Moscow. Trước đó, Nga khẳng định họ sẽ không bị lung lay trước các động thái của phương Tây và sẽ duy trì chiến dịch quân sự tới khi đạt được mục tiêu.