1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga ra điều kiện với phương Tây về đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Nga khẳng định luôn sẵn sàng đàm phán, giải quyết bằng con đường ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga ra điều kiện với phương Tây về đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia (Ảnh: Getty).

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 20/5, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia một lần nữa nhấn mạnh, xung đột giữa Moscow và Kiev vẫn có thể được giải quyết một cách hòa bình và bằng ngoại giao.

"Không giống Ukraine, Nga chưa bao giờ từ bỏ chính sách ngoại giao", ông Nebenzia phát biểu tại cuộc họp.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Một giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao vẫn có thể thực hiện được".

Ông cho biết, một giải pháp như vậy sẽ liên quan đến việc phương Tây chấm dứt cung cấp vũ khí cho Kiev, cũng như việc Ukraine trở lại trạng thái trung lập và đảm bảo quyền lợi cho những người nói tiếng Nga và các nhóm thiểu số khác.

Ông nói thêm rằng những bước đi này sẽ "loại bỏ những nguyên nhân buộc Nga phải triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt của mình".

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cũng cho rằng, hội nghị thượng đỉnh hòa bình sắp tới của Thụy Sĩ về Ukraine dự kiến diễn ra vào tháng 6 sẽ "không tạo thêm giá trị" cho tiến trình ngoại giao.

Ông nhấn mạnh thêm, "bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào cũng phải dựa trên việc tính đến các mối quan ngại an ninh của Nga một cách công bằng và công nhận các quan ngại của Nga trên thực địa".

Đại sứ Nebenzia nói, hội nghị ở Thụy Sĩ sẽ tập trung vào "tối hậu thư" từ Ukraine, "tách rời khỏi thực tế", đồng thời nhấn mạnh rằng những nỗ lực thực thi tối hậu thư như vậy đối với Moscow sẽ là vô ích.

Ông Nebenzia đề cập đến cái gọi là "công thức hòa bình 10 điểm" mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra. Kế hoạch này bao gồm yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, bồi thường chiến tranh... Tuy nhiên, Nga coi những yêu cầu đó là vô lý.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố trong suốt cuộc xung đột rằng họ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình miễn là tính đến "thực tế trên thực địa", đề cập đến 4 vùng lãnh thổ Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý năm 2022.

Kiev đã không công nhận kết quả của những cuộc trưng cầu đó, cũng như không công nhận bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Nga, bằng một sắc lệnh của tổng thống vào năm 2022.

Tại cuộc họp hôm qua, ông Nebenzia đặt câu hỏi về năng lực đàm phán của ông Zelensky và nói rằng "thảo luận bất kỳ vấn đề nào hoặc ký bất kỳ văn bản nào với nhà lãnh đạo đã mất tính hợp pháp là đi ngược lại lẽ thường".

Nhiệm kỳ của ông Zelesnky chính thức kết thúc vào ngày 20/5. Lẽ ra, bầu cử tổng thống Ukraine phải diễn ra vào tháng 3, tuy nhiên, ông Zelensky quyết định hoãn bầu cử với lý do đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật.

Hôm 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, Moscow có thể không công nhận ông Zelensky là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine