1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nói về tin đồn thỏa thuận đình chiến ở Ukraine giống bán đảo Triều Tiên

Minh Phương

(Dân trí) - Nga không liên hệ với giới chính trị châu Âu để thuyết phục họ ký một thỏa thuận đình chiến giống như ở bán đảo Triều Tiên, Điện Kremlin khẳng định.

Nga nói về tin đồn thỏa thuận đình chiến ở Ukraine giống bán đảo Triều Tiên - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Không ai bàn về vấn đề này, đó chỉ là tin giả", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tại một cuộc họp báo ngày 9/1 khi trả lời câu hỏi liệu Moscow đang tìm cách thuyết phục châu Âu tham gia vào một thỏa thuận đình chiến ở Ukraine.

Tuần trước, một số thông tin nói rằng, ông Dmitry Kozak, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin, đã tham gia vào một sứ mệnh ngoại giao bí mật để giải quyết xung đột ở Ukraine.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia ngày 8/1, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov cho hay, Nga đang đánh tiếng thông qua các chính khách châu Âu rằng họ muốn một thỏa thuận ở Ukraine tương tự hiệp định đình chiến ở bán đảo Triều Tiên.

"Họ (Nga) đưa ra cho chúng tôi phương án đình chiến kiểu liên Triều. Tôi chắc chắn một trong những phương án mà họ có thể đề xuất là vĩ tuyến 38", ông Danilov nói.

Khi Thế chiến II kết thúc, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi thành hai miền bằng vĩ tuyến 38. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào ngày 25/6/1950 và kéo dài đến năm 1953 cho đến khi các bên ký thỏa thuận đình chiến, mà không phải một hiệp định hòa bình. Điều này khiến hai miền bán đảo (Triều Tiên và Hàn Quốc) trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Ông Peskov cho biết, liên lạc giữa ông Kozak và giới chức châu Âu mà ông Danilov đề cập đến có thể là người khác có cùng tên họ, và không loại trừ khả năng là một nghị sĩ Ukraine.

Taras Kozak là một chính trị gia người Ukraine được bầu vào quốc hội nước này vào năm 2019 và thuộc đảng đối lập. Đảng này đã nhiều lần bị chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky công kích vì bị cho là có quan điểm thân Nga.

Đầu năm 2021, Hội đồng An ninh Ukraine áp lệnh trừng phạt đối với cá nhân ông Kozak và người đứng đầu đảng đối lập. Vào tháng 5/2021, cả hai bị buộc tội phản quốc do tiết lộ bí mật quốc gia cho Nga. Ông Kozak được cho là đã trốn khỏi đất nước không lâu sau đó.

Kiev chưa bình luận về những thông tin trên.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 11 và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Hai bên tuyên bố để ngỏ hòa đàm, chấm dứt xung đột, nhưng các điều kiện mỗi bên đưa ra đều bị đối phương bác bỏ.

Tại cuộc họp báo hôm nay, ông Peskov cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm tăng thêm những đau khổ mà người dân Ukraine phải gánh chịu. 

"Chúng tôi biết châu Âu, Mỹ, NATO đã bơm hàng chục tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Những viện trợ này sẽ không thể thay đổi bất cứ điều gì ở Ukraine, cũng không thể ngăn cản Nga đạt các mục tiêu chiến dịch. Chúng chỉ làm tăng thêm, kéo dài đau khổ của người dân Ukraine", ông Peskov nói.

Điện Kremlin nhiều lần khẳng định, Nga sẽ đạt mọi mục tiêu đề ra trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Peskov bác bỏ thông tin Nga sẽ ban hành lệnh động viên lực lượng dự bị quân sự lần hai.

Theo Guardian, RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine