1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nói Ukraine muốn thành nước trung lập, Kiev phản bác

Thành Đạt

(Dân trí) - Kiev đã lên tiếng phản hồi sau khi trưởng đoàn đàm phán Nga cho biết Ukraine đề xuất ý tưởng trở thành quốc gia trung lập theo mô hình của Áo hoặc Thụy Điển.

Nga nói Ukraine muốn thành nước trung lập, Kiev phản bác - 1

Phái đoàn đàm phán Nga - Ukraine (Ảnh: AFP).

"Ukraine đang đề xuất mô hình quốc gia phi quân sự trung lập, tương tự Áo hoặc Thụy Điển, nhưng vẫn sở hữu lực lượng lục quân và hải quân", trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói với các phóng viên hôm nay 16/3.

Ông Medinsky, cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nói thêm rằng "quy mô của quân đội Ukraine" là một trong những vấn đề đang được hai bên thảo luận.

Ông Medinsky nhắc lại việc Moscow muốn Kiev công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk tại Đông Ukraine. Nhà đàm phán Nga cho biết, các vấn đề quan trọng khác cũng được Moscow quan tâm gồm "phi phát xít hóa" Ukraine và quyền của những người nói tiếng Nga ở Ukraine.

Trưởng đoàn đàm phán Nga tuyên bố mục tiêu của Moscow trong các cuộc đàm phán với Kiev vẫn không thay đổi: Nga mong muốn thấy một Ukraine hòa bình, tự do, trung lập và độc lập.

Theo ông Medinsky, các cuộc đàm phán với Ukraine vẫn đang diễn ra chậm chạp và khó khăn, nhưng Nga vẫn hy vọng có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Kiev trong thời gian sớm nhất.

Bình luận về ý tưởng mô hình trung lập của Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "đây có thể được xem như một phương án thỏa hiệp".

Nga nhiều lần tuyên bố muốn Ukraine trở thành quốc gia trung lập và không bao giờ gia nhập khối NATO. Khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24/2, Moscow khẳng định một trong những mục tiêu của chiến dịch là "phi quân sự hóa" Ukraine.

Áo tuyên bố trở thành quốc gia trung lập vào năm 1955. Luật của Áo cấm quốc gia này tham gia các liên minh quân sự và đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Áo.

Thụy Điển cũng thường được xem là quốc gia 'không liên kết', do có truyền thống lâu đời là không chính thức gia nhập bất kỳ khối quân sự nào. Nước này cũng không phải là thành viên NATO và không có căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, NATO đã mời những nước không phải là thành viên khối như Thụy Điển và Phần Lan tham dự các cuộc họp của khối do Mỹ dẫn đầu và quyết định chia sẻ thông tin tình báo với họ.

Giới chức Ukraine trước đó cho biết, nước này sẵn sàng thảo luận với Nga về việc duy trì trạng thái trung lập. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Kiev phải nhận được "sự đảm bảo an ninh" từ Nga và phương Tây.

Ukraine hôm nay bác bỏ tuyên bố của Nga về việc Kiev muốn đi theo mô hình giống Áo hoặc Thụy Điển. Ukraine cho rằng các cuộc đàm phán với Moscow để chấm dứt giao tranh nên tập trung vào việc "đảm bảo an ninh".

"Ukraine đang trong tình trạng xung đột trực tiếp với Nga. Do vậy, mô hình này chỉ có thể là một đất nước Ukraine với các đảm bảo an ninh mang tính pháp lý", trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mikhailo Podolyak cho biết trong thông báo do văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine