1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga nói mong muốn hòa bình, cáo buộc Mỹ tiến hành chiến tranh ủy nhiệm

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Các quan chức cấp cao của Nga liên tục có những phát biểu bác bỏ sự chỉ trích của phương Tây về cuộc xung đột tại Ukraine.

Nga nói mong muốn hòa bình, cáo buộc Mỹ tiến hành chiến tranh ủy nhiệm - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Tass).

Reuters đưa tin, trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí trong chuyến thăm Oman hôm 11/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiết lộ Moscow hoàn toàn không muốn cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra. Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng các nước phương Tây đang rất muốn thấy Nga bị đánh bại trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

"Nếu các bạn lo lắng về viễn cảnh chiến tranh ở châu Âu, chúng tôi hoàn toàn không muốn điều đó. Tuy vậy, các bạn nên chú ý về một thực tế là các nước phương Tây thường xuyên bày tỏ quan điểm rằng cần phải đánh bại Nga. Hãy tự rút ra kết luận cho riêng mình", ông Lavrov nói.

Ông Lavrov cũng khẳng định Nga có mục tiêu rất rõ ràng tại Ukraine, bao gồm bảo vệ quyền lợi của người Nga và những người nói tiếng Nga tại khu vực Donbass, cũng như loại bỏ một thành trì trên lãnh thổ Ukraine mà phương Tây có thể sử dụng như một bàn đạp để đe dọa quân sự đối với Nga.

Cuối cùng, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông hy vọng rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ khiến phương Tây từ bỏ tham vọng về việc hình thành "một thế giới đơn cực".

Nga nói mong muốn hòa bình, cáo buộc Mỹ tiến hành chiến tranh ủy nhiệm - 2
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng hôm 9/5 (Ảnh: Reuters).

Trong một động thái khác, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, người hiện đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã cáo buộc Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm vào Nga thông qua việc cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Phát biểu này được ông Medvedev đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ chính thức thông qua gói viện trợ khổng lồ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine hôm 11/5.

"Dự luật viện trợ cho Ukraine được thông qua thực chất là nhằm đánh bại đất nước của chúng ta, hạn chế sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế", ông Medvedev viết trên tài khoản mạng xã hội Telegram.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng cho rằng khoản viện trợ này sẽ không chỉ không hiệu quả mà còn có tác động ngược lại với nền kinh tế Mỹ.

Sáng ngày 11/5, với số phiếu áp đảo, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden viện trợ thêm 40 tỷ USD cho Ukraine. Nhà Trắng đã ngay lập tức lên tiếng ca ngợi quyết định nhanh chóng của Hạ viện. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã gọi quyết định trên là một nỗ lực của cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa nhằm biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ với người dân Ukraine.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm