1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nghi ngờ NATO sẽ đưa quân đến Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, NATO đang lên kế hoạch đưa quân đến Ukraine nhằm gây sức ép, buộc Nga đàm phán theo các điều khoản của Ukraine.

Nga nghi ngờ NATO sẽ đưa quân đến Ukraine - 1

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Alexander Fomin (Ảnh: Military).

"Ukraine nhận được sự hỗ trợ quân sự toàn diện. Ukraine đang được cung cấp vũ khí hiện đại và được khuyến khích tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Để buộc Nga phải tham gia đàm phán dựa trên công thức của Kiev, các nước NATO đang lên kế hoạch đưa quân tới Ukraine", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Đại tướng Alexander Fomin, phát biểu ngày 13/9.

Quan chức Nga nhấn mạnh: "Đây là một trò chơi nguy hiểm, có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân".

Ông nói thêm, trong bối cảnh đó, Mỹ "đang tích cực nghiên cứu một phiên bản mới của học thuyết hạt nhân", trong đó "ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân có thể thấp hơn nhiều".

Mỹ và NATO hiện chưa bình luận về cáo buộc của quan chức Nga.

Mỹ và các đồng minh NATO nhiều lần khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine vì lo ngại trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Phương Tây đến nay chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Kiev. Các nước này cũng chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, một số nguồn tin gần đây cho hay, Mỹ và Anh có thể sắp "bật đèn xanh" cho Kiev sử dụng vũ khí tấn công tầm xa vào Nga. Hai nước đã cấp tên lửa tầm xa Storm Shadow và ATACMS cho Ukraine. Kiev được cho là đã dùng 2 loại vũ khí trên để tập kích Crimea - bán đảo sáp nhập Nga từ năm 2014.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua cảnh báo, phương Tây sẽ phải đối đầu trực tiếp với Nga nếu cho phép Ukraine thực hiện những cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Ông cho rằng các cuộc tấn công sử dụng tên lửa tầm xa của Ukraine thời gian qua đều phải sử dụng dữ liệu và thông tin tình báo từ phương Tây và chính quân nhân NATO tham gia triển khai tấn công bởi quân đội Ukraine chưa đủ năng lực để làm điều đó.

"Vì vậy, câu hỏi ở đây không phải là liệu có nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga hay không, mà phải là liệu các quốc gia NATO có trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này không", chủ nhân Điện Kremlin nói.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga, điều đó đồng nghĩa các quốc gia NATO như Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine. Dĩ nhiên, điều này làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột".

Tổng thống Putin cho biết, trong bối cảnh đó, Nga phải đưa ra những quyết định phù hợp với những mối đe dọa mới.

Trước đó, chủ nhân Điện Kremlin tuyên bố, Nga không loại trừ khả năng cấp cho các nước đồng minh những vũ khí có thể tấn công vào các mục tiêu của phương Tây ở nước ngoài.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine