1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga nêu lý do rút quân khỏi Kiev

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết việc Nga rút lực lượng gần Kiev là động thái nhằm thể hiện thiện chí của Moscow đối với Ukraine.

Nga nêu lý do rút quân khỏi Kiev - 1

Xe tăng của lực lượng thân Nga tại thành phố Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp hôm 6/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc rút lực lượng Nga khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev là "động thái thiện chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi" cho cuộc đàm phán Nga - Ukraine.

Ông Peskov nói thêm rằng, Nga quan tâm đến việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "chấp nhận" các điều kiện đã được đề xuất tại các cuộc đàm phán với Nga. Quan chức Nga khẳng định, nước này "muốn chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thông qua các cuộc đàm phán".

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin thừa nhận các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev không tiến triển nhanh chóng hoặc mạnh mẽ như kỳ vọng.

Theo ông Peskov, Nga và Ukraine đang xúc tiến tổ chức cuộc đàm phán mới, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để 2 bên đạt được bất kỳ tiến triển nào trong quá trình đàm phán.

Ông Peskov bác bỏ thông tin Nga muốn sát hại Tổng thống Zelensky. Ông cũng phủ nhận cáo buộc rằng, Điện Kremlin đã lên kế hoạch lật đổ nhà lãnh đạo Ukraine.

"Điều này hoàn toàn không đúng", ông Peskov nói, đồng thời khẳng định chính quyền Nga "chưa bao giờ đề cập tới việc chiếm đóng Ukraine".

David Arakhamia, cố vấn của Tổng thống Ukraine và cũng là thành viên đoàn đàm phán Ukraine, hôm 2/4 cho biết các cuộc đàm phán với Nga đang có những tín hiệu tích cực. Theo quan chức này, trong các cuộc đàm phán, Moscow đã nhất trí quan điểm rằng, trưng cầu dân ý về vị thế trung lập của Ukraine "là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng hiện nay". 

Vị thế trung lập của Ukraine là một trong những điều kiện mà Moscow đưa ra trong số các yêu cầu khác để Nga quyết định có chấm dứt chiến dịch quân sự hiện nay hay không. Nga từng đề xuất Ukraine áp dụng mô hình quốc gia trung lập tương tự Áo hay Thụy Điển. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ phương án này, đồng thời tuyên bố muốn một mô hình trung lập mà ở đó họ có được cam kết đảm bảo an ninh từ bên thứ 3.

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã gửi văn bản dự thảo về đảm bảo an ninh cho một số nước và hy vọng rằng họ sẽ công khai tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine. Hiện chưa rõ có quốc gia nào đã ký cam kết hay có kế hoạch đảm bảo an ninh cho Ukraine hay không.

Ukraine đề xuất một thỏa thuận đảm bảo an ninh, trong đó một nhóm quốc gia - có thể bao gồm các nước thành viên NATO như Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Đức - sẽ cam kết bảo vệ Ukraine nếu Kiev bị tấn công. Đề xuất này được cho là có nhiều điểm tương đồng với quy tắc phòng vệ tập thể của NATO.

Hiện tại, vấn đề về chủ quyền vẫn là "nút thắt lớn" trong đàm phán khi 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung liên quan tới Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga từ năm 2014, và 2 vùng ly khai ở Donbass, Đông Ukraine - khu vực được Nga công nhận độc lập từ cuối tháng 2. Cả Nga và Ukraine hiện vẫn rất kiên quyết với quan điểm của phía mình về các khu vực này. 

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm