1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ukraine muốn đàm phán hòa bình với Nga trong năm nay

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Ukraine tuyên bố Kiev vẫn quan tâm đến việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình có sự tham gia của Nga vào cuối năm nay.

Ukraine muốn đàm phán hòa bình với Nga trong năm nay - 1

Lính Ukraine ở Donbass (Ảnh: Getty).

Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần này thông báo đã hủy hội nghị thượng đỉnh hòa bình, được lên kế hoạch vào tháng 11, để ủng hộ việc tổ chức một loạt "hội nghị chuyên đề" với các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar, Kiev vẫn muốn đàm phán với Moscow, nhưng không phải đàm phán trực tiếp.

"Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh lần này là đạt được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine. Chúng tôi hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh này vào cuối năm nay", ông Bodnar cho biết tại một cuộc họp báo tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 9/10.

"Chúng tôi không nói về một hình thức đàm phán mà Ukraine và Nga ngồi đối diện với nhau và Ukraine lắng nghe các yêu cầu của Nga. Những gì chúng ta thấy bây giờ là: cộng đồng quốc tế, cùng với Ukraine, sẽ ngồi lại và lập một danh sách về các bước có thể thực hiện để có được một nền hòa bình công bằng ở Ukraine, và họ sẽ thảo luận về yêu cầu nào đưa ra cho Nga dựa trên danh sách đó", nhà ngoại giao Ukraine cho biết.

Ông Bodnar giải thích rằng hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ không phải là "một cuộc họp song phương trực tiếp", mà là một hình thức mà trong đó các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức thông qua các bên thứ ba. Một hình thức như vậy trước đây đã được mô tả là "ngoại giao con thoi".

Theo ông Bodnar, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một bên tham gia quan trọng trong hội nghị, với kinh nghiệm làm trung gian hòa giải xung đột. Ankara đã tìm cách duy trì mối quan hệ với cả Moscow và Kiev sau khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022.

Một số quốc gia đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, nhưng không thành công. Kiev vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky, một danh sách gồm 10 điểm yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Nga đã bác bỏ mọi cuộc thảo luận về công thức hòa bình mà Moscow cho là vô ích và vô nghĩa. Vào tháng 6, Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ra một loạt điều kiện cho lệnh ngừng bắn với Ukraine, bao gồm việc công nhận các yêu cầu của Nga đối với một số vùng lãnh thổ nhất định, "phi phát xít hóa" Kiev và từ chối có ràng buộc pháp lý đối với tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu ở Dubrovnik, Croatia hôm 9/10, Tổng thống Zelensky tuyên bố tình hình chiến trường trong cuộc xung đột Nga - Ukraine "tạo ra cơ hội" để thực hiện "hành động quyết định" nhằm chấm dứt xung đột chậm nhất vào năm 2025.

"Chúng tôi đang trông cậy vào sự lãnh đạo của Tổng thống Biden. Chúng tôi đang trông cậy vào những bước đi mạnh mẽ và khôn ngoan của Anh, Pháp, Đức và Italy, những bước đi sẽ mang lại an ninh và hòa bình cho châu Âu. Và chúng tôi trông cậy vào từng người trong số quý vị - tất cả quý vị", ông Zelensky phát biểu tại hội nghị.

"Vào tháng 10, tháng 11 và tháng 12, chúng ta có cơ hội thực sự để đưa tình hình tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài. Tình hình trên chiến trường tạo ra cơ hội để đưa ra lựa chọn này, lựa chọn ủng hộ hành động quyết đoán nhằm chấm dứt chiến tranh chậm nhất vào năm 2025", ông Zelensky tuyên bố.

Lực lượng Ukraine đã gặp nhiều khó khăn trong vài tuần qua khi mất quyền kiểm soát nhiều khu vực then chốt ở vùng Donbass miền Đông. Lực lượng Moscow đang tiến về thành phố Pokrovsk, khu định cư lớn cuối cùng do Ukraine kiểm soát ở phía tây Donetsk.

Tuần trước, lực lượng Nga tuyên bố kiểm soát thị trấn khai thác mỏ Ugledar, vốn là thành trì quan trọng của quân đội Kiev và từ lâu được coi là điểm trung chuyển cho một đợt tấn công tiềm tàng của Ukraine vào thành phố cảng Mariupol trên Biển Azov.

Theo RT