1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nêu điều kiện đàm phán, cảnh báo Ukraine về vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ không để Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân trong bối cảnh xung đột giữa hai nước chưa đến hồi kết.

Nga nêu điều kiện đàm phán, cảnh báo Ukraine về vũ khí hạt nhân - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan truyền thông hàng đầu của các nước thành viên BRICS tại Moscow, Nga ngày 18/10 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Putin ngày 18/10 tuyên bố bất kỳ động thái nào của Ukraine nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân đều không thể che giấu và sẽ dẫn đến phản ứng thích hợp của Nga.

"Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra, bất kể như thế nào", ông Putin nói với các phóng viên.

Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi báo Đức Bild dẫn lời một quan chức cấp cao Ukraine nói rằng nước này dường như có đủ khả năng để "chế tạo vũ khí hạt nhân trong vòng vài tuần". Nguồn tin cho biết Kiev dường như đã sẵn sàng để sở hữu vũ khí hạt nhân "vài tháng trước".

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố để bảo đảm an ninh của chính mình, Ukraine sẽ cần phải gia nhập NATO hoặc cần có vũ khí hạt nhân.

Ukraine từ lâu đã lập luận rằng Washington và các đồng minh của họ có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine vì Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Mỹ, Anh và Nga đã đưa ra các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ông Zelensky phàn nàn rằng Bản ghi nhớ Budapest vừa khiến Ukraine không có vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ, vừa mất an ninh.

Trong khi đó, Nga cho rằng, cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây đã khiến bản ghi nhớ bị vi phạm. Nga cũng cho rằng, một Ukraine có vũ khí hạt nhân và có quan điểm đối đầu Moscow là mối đe dọa không thể chấp nhận được với an ninh của Nga.

Nga ủng hộ đàm phán hòa bình

Trả lời câu hỏi về thời điểm Nga dự kiến giành chiến thắng ở Ukraine, Tổng thống Putin cho biết việc đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn thành chiến dịch quân sự là phản tác dụng.

"Rất khó để đặt ra bất kỳ thời hạn nào. Trên thực tế, nhìn chung là phản tác dụng", ông Putin phát biểu tại một cuộc họp với những người đứng đầu các hãng truyền thông của khối BRICS.

Khi nói về khả năng đàm phán hòa bình, nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Chúng tôi ủng hộ điều đó. Tôi đã giải thích cách thức thực hiện điều này. Nếu đây là lập trường trung thực của bên kia, họ nên hành động, càng sớm càng tốt".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhắc lại thỏa thuận hòa bình Istanbul vào tháng 4/2022 được đề xuất nhằm chấm dứt các hành động thù địch và xoa dịu tình hình giữa Nga và Ukraine trên cơ sở đảm bảo an ninh công bằng và lợi ích của cả hai bên.

"Thỏa thuận này, được phía chúng tôi ủng hộ, đã bị Kiev vi phạm. Và mỗi lần một thỏa thuận khác bị phía Ukraine phá vỡ, phá hoại hoặc vi phạm, Ukraine lại mất thêm lãnh thổ của mình. Mỗi lần như vậy, lãnh thổ của Ukraine lại ngày càng thu hẹp", ông Lavrov nói.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, tuyên bố của Tổng thống Putin hồi tháng 6 nên được xem xét dựa trên tình hình thực tế. Ông cũng nhắc lại lập trường của Nga về việc đàm phán với Ukraine.

"Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Không có tư cách thành viên NATO, quy chế trung lập, giải quyết các vấn đề của cộng đồng nói tiếng Nga, vốn bị tước quyền làm bất cứ điều gì bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc và nhiều công ước", nhà ngoại giao Nga chỉ ra.

Tổng thống Putin vào tháng 6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.

Theo Tass