Nga lên tiếng về thông tin Tổng thống Putin muốn đóng băng xung đột Ukraine
(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhấn mạnh, bất cứ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine đều phải dựa vào tình hình thực tế, đồng thời bác bỏ thông tin Moscow muốn "đóng băng" xung đột.
Trả lời phỏng vấn Newsweek trong tuần này, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov khẳng định không có bất cứ thảo luận nào về việc "đóng băng xung đột" ở Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin "cũng không nói điều nào như vậy".
Thay vào đó, ông khẳng định, lập trường của Nga vẫn nhất quán là mọi hòa đàm phải dựa trên tình hình thực tế, tính đến lợi ích an ninh của Nga.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine đều phải tính đến tình hình trên thực tế. Việc Nga rút quân khỏi các đường ranh giới giả định là không xảy ra", ông Antonov nói.
Bình luận được đưa ra sau khi Reuters dẫn một số nguồn thạo tin từ Nga nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tạm dừng cuộc chiến ở Ukraine bằng một lệnh ngừng bắn được đàm phán công nhận các chiến tuyến hiện tại.
"Tổng thống Putin có thể theo đuổi xung đột lâu hết mức, nhưng cũng sẵn sàng đạt thỏa thuận ngừng bắn và đóng băng chiến sự", một quan chức cấp cao Nga từng làm việc với ông Putin và am hiểu những cuộc thảo luận ở cấp cao nhất tại Điện Kremlin tiết lộ.
Phản ứng về thông tin này, ông Putin cho biết, Moscow luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine để chấm dứt xung đột nhưng phải dựa trên lẽ thường và thừa nhận tình hình thực tế.
"Hãy nối lại các cuộc đàm phán nhưng không phải theo những gì một bên muốn, mà dựa trên những thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2022) cũng như dựa trên tình hình thực địa hiện tại", chủ nhân Điện Kremlin cho biết.
"Nhưng đàm phán với ai? Đó là một câu hỏi quan trọng. Chúng tôi nhận thấy rằng tính hợp pháp của nguyên thủ quốc gia đương nhiệm đã không còn nữa", ông Putin lưu ý khi đề cập đến tư cách tổng thống hiện nay của nhà lãnh đạo Ukraine.
Đại sứ Nga Antonov hôm qua cũng nhấn mạnh: "Tổng thống Putin đã chỉ ra rằng Nga cần những đảm bảo an ninh hữu hình trên giấy tờ và được ghi nhận về mặt pháp lý".
Ông cũng nhắc đến quan điểm của giới chức Nga rằng nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã không còn tư cách tổng thống sau khi hết nhiệm kỳ hôm 20/5, và điều Moscow quan tâm là nếu ký kết bất cứ thỏa thuận nào thì Moscow sẽ ký với ai.
Mặt khác, ông Antonov cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách đảo lộn mọi thứ khi hoài nghi về thiện chí của Nga trong việc tìm kiếm giải pháp thương lượng nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Giới chức Nga bàn đến triển vọng hòa đàm với Ukraine trong bối cảnh lực lượng Nga đang giành thế chủ động trên chiến trường Ukraine. CNN nhận định, Nga đề cập hòa đàm ở thời điểm này vì 2 lý do.
Đầu tiên, Ukraine và các đồng minh sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh hòa bình (không có Nga) ở Thụy Sĩ vào tháng 6 để thảo luận về một thỏa thuận mà họ có thể chấp nhận được đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể nhằm tạo đà cho một bước đi khác mà Điện Kremlin có thể thực hiện khi lực lượng của họ cuối cùng kiệt sức về mặt quân sự hoặc rơi vào bế tắc.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng hy vọng Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị. Việc đề cập đến triển vọng hòa đàm của Moscow lúc này dường như phát tín hiệu đến Bắc Kinh rằng họ không nên tham gia vào nỗ lực ngoại giao về cuộc khủng hoảng Ukraine mà không có Nga.
Thứ hai và quan trọng hơn là Nga đang gửi thông điệp mơ hồ đến các chính phủ phương Tây và chiến dịch tranh cử tổng thống hiện nay ở Mỹ rằng, xung đột ở Ukraine có thể đóng băng ngay lập tức.
Thông tin của Reuters cho phép những người ở phương Tây muốn thấy chiến tranh kết thúc tin rằng Nga có thể chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Điện Kremlin cho rằng, thông tin đó dường như phản ánh lập trường lâu dài của Nga. Cuối cùng, điều này nghe có vẻ mới mẻ và đáng xem xét đối với ông Donald Trump - ứng viên tổng thống sáng giá của Mỹ năm 2024 - cũng như các thành viên NATO khác ít lạc quan hơn như Pháp, Anh hay các nước Baltic.
Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử vào cuối năm nay. Theo một số nguồn tin, nếu trở lại Nhà Trắng, ông có thể tìm cách giải quyết xung đột Ukraine bằng cách buộc Kiev phải đưa ra những nhượng bộ nhất định.
Về phía Ukraine, giới chức nước này chỉ coi những đề nghị hòa đàm là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm "câu giờ" để tập hợp lực lượng cho một chiến dịch tấn công thậm chí mạnh hơn.