1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga lên tiếng về khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố hiện vẫn còn quá sớm để bàn về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga lên tiếng về khả năng đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 24/5, khi được hỏi kế hoạch hòa giải nào do các nước đưa ra sẽ tốt hơn cho Nga và liệu Moscow có phương án của riêng mình hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Vẫn còn quá sớm để nói về điều đó. Hiện không có điều kiện tiên quyết nào cho một tiến trình hòa bình, rõ ràng là như vậy".

"Chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine) vẫn tiếp tục", ông Peskov nói thêm.

Trả lời câu hỏi liệu Điện Kremlin có sẵn sàng đàm phán với bất kỳ ai trong chính quyền Ukraine hiện tại hay không, ông Peskov nói: "Điều này khó có thể xảy ra, bởi vì bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga đều bị cấm (ở Ukraine)".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 10 năm ngoái đã ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải với ông Putin.

Tổng thống Zelensky ban đầu nói rằng, ông muốn thảo luận trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga về tương lai chiến sự, nhưng sau đó cho biết triển vọng đàm phán với Nga không khả thi. Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết, Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev nhưng chỉ dựa trên cơ sở Ukraine sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của Nga.

Tổng thống Zelensky hồi năm 2022 đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ quân và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ukraine cũng đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình vào tháng 2/2023 nhưng kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.

Những tuần gần đây, nhiều nước tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Đặc biệt, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi đã hoặc sẽ cử đại diện đến Kiev và Moscow nhằm thúc đẩy kế hoạch hòa bình.

Tuần trước, đặc phái viên Trung Quốc Li Hui đã bắt đầu chuyến công du đến Nga, Ukraine và một số nước châu Âu. 6 tổng thống châu Phi cũng đến Nga và Ukraine với hy vọng thúc đẩy các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột.

Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine. Hồi tháng 2, Bắc Kinh đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm, trong đó đề cập đến việc hai bên phải ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối của Ukraine và phương Tây bởi các nước này cho rằng, kế hoạch hòa bình Bắc Kinh đưa ra nghiêng về lập trường của Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm 19/5 tuyên bố, Kiev hoan nghênh bất cứ nỗ lực hòa giải nào nếu đáp ứng 2 điều kiện cơ bản. Theo ông, nguyên tắc đầu tiên là mọi cuộc hòa đàm, hòa giải phải dẫn đến việc khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine.

Một quy tắc nữa do Ukraine đưa ra là không cho phép đóng băng xung đột. Ông Kuleba lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine