1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lần đầu mất vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga lần đầu bị tụt hạng xuống vị trí thứ 3 trong bảng danh sách nhà xuất khẩu vũ khí nhiều nhất trên thế giới.

Nga lần đầu mất vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới - 1

Các tiêm kích Nga trong một lễ duyệt binh (Ảnh minh họa: AFP).

Theo dữ liệu mới do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển công bố hôm 10/3, ngành xuất khẩu vũ khí hùng mạnh của Nga đang bị ảnh hưởng trong bối cảnh cuộc xung đột giữa nước này và Ukraine chưa có hồi kết.

Theo SIPRI, Nga đã tụt xuống vị trí thứ 3 sau Mỹ và Pháp trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên mà Nga tụt hạng kể từ khi SIPRI bắt đầu thống kê từ những năm 1950.

Tổ chức trên nhận định, xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 53% nếu so khoảng thời gian 2014-2018 với 2019-2023. Số lượng khách hàng quan trọng của Nga đã giảm từ 31 xuống còn 12 quốc gia trong 5 năm qua, SIPRI cho hay.

Pieter D. Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao SIPRI, nói với Newsweek rằng: "Tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, các đơn đặt hàng lớn mới có thể xuất hiện. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy chúng. Và một số đơn đặt hàng đã có, chúng ta hãy chờ xem Nga có thể giao hàng hay không".

Sau 2 năm chiến sự, Nga đang dồn lực cho ngành công nghiệp vũ khí để đảm bảo nhu cầu của quân đội trong cuộc xung đột với Ukraine.

Ngoài ra, ngành công nghiệp trong nước và thương mại ở nước ngoài của Nga đã bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù Moscow đã tìm cách lách qua các lệnh trừng phạt, nhưng việc bị hạn chế tiếp cận công nghệ phương Tây đã làm suy yếu hoạt động sản xuất vũ khí tiên tiến hơn của nước này.

"Câu hỏi đặt ra là ngành công nghiệp vũ khí Nga có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu trong nước và xuất khẩu của Nga ở mức độ nào, đồng thời cũng tính đến các biện pháp trừng phạt liên quan đến công nghệ mà Nga vẫn cần để sản xuất vũ khí cũng như phương thức thanh toán trong điều kiện bị cấm vận", ông Wezeman cho hay.

Ngoài ra, báo cáo của SIPRI chỉ ra, các quốc gia châu Âu đã nhập khẩu số lượng vũ khí gần như gấp đôi trong giai đoạn 2019-2023 so với giai đoạn 2014-2018. Ukraine trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất châu Âu sau khi chiến sự với Nga nổ ra vào năm 2022.

Mỹ đã tăng xuất khẩu vũ khí thêm 17% trong giai đoạn 2019-2023, vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu.

Trong thời gian qua, Nga nhiều lần tuyên bố đã tăng tốc sản xuất vũ khí phục vụ nhu cầu trên tiền tuyến.

Hồi tháng 1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko cho biết, Lực lượng vũ trang nước này sẽ nhận được hơn 36.000 thiết bị quân sự và 16,5 triệu vũ khí trong năm nay. Quan chức trên cho biết thêm, con số này cao gấp nhiều lần so với 2 năm trước.

Tuyên bố của Thứ trưởng Nga đến trong bối cảnh NATO thừa nhận từng đánh giá thấp tiềm lực của Nga, cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Tổng tư lệnh quân đội Estonia Martin Herem, một nước thành viên NATO, cho biết thông tin tình báo mới về khả năng của Nga đã khiến liên minh quân sự phương Tây phải tiến hành đánh giá lại về đối thủ.

Ông cho biết, trái ngược với những dự đoán trước đó, Nga hiện có thể sản xuất vài triệu quả đạn pháo mỗi năm và tuyển mộ hàng trăm nghìn binh sĩ.

Theo Newsweek. Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm