1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ điều 2 "mắt thần" theo dõi khi Nga thử tên lửa "mạnh nhất thế giới"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Khi Nga thử tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat, Mỹ đã thực hiện động thái chưa từng được ghi nhận trước đó nhằm thu thập thông tin về loại vũ khí mà Moscow tuyên bố là "mạnh nhất thế giới".

Mỹ điều 2 mắt thần theo dõi khi Nga thử tên lửa mạnh nhất thế giới - 1

Một máy bay "mắt thần" RC-135S Cobra Ball của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

The Drive đưa tin, quân đội Mỹ ngày 20/4 đã thực hiện một động thái rất khác thường khi Nga vào cùng ngày thử thành công siêu tên lửa RS-28 Sarmat.

Cụ thể, Mỹ đã điều động một cặp máy bay thu thập thông tin tình báo RC-135S Cobra Ball di chuyển về phía bờ biển phía Đông nước Nga. Đây là các "mắt thần" của không quân Mỹ chuyên có nhiệm vụ tìm kiếm và nắm bắt các thông tin quan trọng của đối thủ.

Theo các trang theo dõi chuyến bay, 2 chiếc RC-135 số hiệu 62-4128 và 61-2663 xuất phát từ căn cứ Eielson ở Alaska và bay theo đội hình tới gần đảo St. Matthew, một tiền đồn của Mỹ tại biển Bering để theo dõi vụ thử. Nga đã báo trước cho Mỹ về việc sẽ phóng thử RS-28 Sarmat.

Chuyên gia hàng không Robert S. Hopkins, một cựu phi công quân sự Mỹ nói với The Drive rằng, đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua ông nắm được thông tin Mỹ điều động tới 2 chiếc RC-135S Cobra Ball cùng lúc làm một nhiệm vụ trinh sát.

Theo giới quan sát, động thái này cho thấy, giới chức tình báo Mỹ rất muốn nắm được các thông tin về tên lửa Sarmat, nên họ đã thực hiện động thái chưa từng có tiền lệ khi đưa 2 chiếc RC-135S đi giám sát vụ thử của Nga.

Với việc đưa tới 2 "mắt thần" tới gần Nga, Mỹ dường như muốn thu thập các dữ liệu ở độ cao khác nhau để có thông số chuẩn xác nhất về vũ khí đối thủ, đặc biệt là vấn đề liên quan tới việc tên lửa trở lại khí quyển.

Ngoài ra, cũng có những đồn đoán khác về việc 2 chiếc RC-135S cùng làm một nhiệm vụ, ví dụ như một chiếc có vấn đề về kỹ thuật nên chiếc còn lại được điều động tới hỗ trợ việc trinh thám.

RC-135S được thiết kế để thu thập thông tin về việc phóng các hệ thống tên lửa đạn đạo. Máy bay có thiết bị chuyên dụng để theo dõi các loại vũ khí này và thu thập dữ liệu đo từ xa và các dữ liệu tình báo điện tử, cũng như hình ảnh trực quan về chúng.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ đưa 2 chiếc RC-135 tới theo dõi vụ thử không phải là điều quá khó hiểu vì tên lửa Sarmat là một vũ khí "khủng", được xem sẽ có khả năng cao trở thành "xương sống" trong năng lực răn đe của Nga trong thời gian tới.

Tên lửa uy lực

Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Sarmat có đặc tính kỹ thuật và chiến thuật hàng đầu, có thể xuyên thủ mọi lá chắn phòng không hiện đại. Ông Putin nói rằng, Sarmat là tên lửa "có một không hai" trên thế giới và sẽ khiến các đối thủ của Nga phải suy nghĩ lại trước khi hành động.

RS-28 Sarmat được Nga phát triển từ khoảng những năm 2009 và là phiên bản nâng cấp của tên lửa RS-36M, được NATO gọi theo tên "quỷ Satan" vào những năm 1970.

Điểm nổi bật của Sarmat là nó có công nghệ có thể phóng nhiều đầu đạn ra một lúc được gọi là công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV). RS-28 Sarmat sẽ phân tán ra các đầu đạn sau khi đạt tới vận tốc khoảng 24.000 km/h. Tùy thuộc vào chiến thuật, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu cách hàng trăm km.

Ngoài các đầu đạn, Nga nói rằng Sarmat sẽ được phát triển để mang thiết bị phóng siêu vượt âm Avangard - vũ khí có tốc độ gấp khoảng hơn 20 lần tốc độ âm thanh. Đây được xem là yếu tố khiến nó trở thành một "thế lực" khó cản phá trong kho vũ khí Nga.

Theo The Drive