1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga hành động quyết đoán tại Syria, Mỹ “tê liệt”

(Dân trí) - Việc Mỹ chỉ biết đứng nhìn bước tiến quyết đoán của Nga, và các cuộc tấn công mạnh mẽ mới đây của lực lượng chính quyền Tổng thống Assad đang khiến chính sách tại Syria của Washington bị chỉ trích là “tê liệt”.

Theo tờ New York Times, Tổng thống Obama đầu năm nay đã xác định cách tiếp cận của mình với cuộc khủng hoảng tại Syria là “kiên nhẫn và kiên định chiến lược”. Tuy nhiên với việc các chiến đấu cơ và tên lửa Nga đang không ngừng oanh tạc các phần tử khủng bố tại Syria, cái mà Nhà Trắng gọi là “kiên nhẫn” đang bị nhiều nhà phê bình xem là “tê liệt”.

Tổng thống Nga Putin (trái) đang quyết đoán và mạnh mẽ hơn người đồng cấp phía Mỹ trong chiến lược tại Syria (Ảnh: Getty)
Tổng thống Nga Putin (trái) đang quyết đoán và mạnh mẽ hơn người đồng cấp phía Mỹ trong chiến lược tại Syria (Ảnh: Getty)

Dù được gọi theo cách nào, các cố vấn của ông Obama cho biết họ khó có thể làm gì nhiều để thay đổi tình hình trong ngắn hạn. Các đề xuất đang được soạn thảo cho những cuộc họp trong vài ngày tới, nhưng ông Obama đã tuyên bố rõ ràng rằng không muốn đối đầu với Nga cũng như rủi ro leo thang căng thẳng. Ông chủ Nhà Trắng cũng không có chiến lược tổng thể nào mới, để giải quyết cuộc xung đột hoặc đánh bại nhóm Hồi giáo cực đoan IS.

“Không có giải pháp nào ở thời điểm này khiến họ sẽ ngừng việc chỉ quan sát”, Michael McFaul, cựu cố vấn của ông Obama, người từng là đại sứ Mỹ tại Mátxcơva nhận định. “Họ sẽ chỉ đơn giản là chấp nhận nó”

Ông Obama đến nay vẫn xem những đề xuất phải có hành động mạnh mẽ hơn như con đường dẫn đến thảm họa. Các cố vấn Nhà Trắng đang tìm hiểu xem liệu có thể làm gì để bảo vệ phe đối lập tại Syria, nhưng họ lại không sẵn lòng cung cấp vũ khí phòng vệ. Cố vấn của ông Obama thừa nhận rằng họ có lẽ chỉ có thể giúp các đồng minh đương đầu với các vụ ném bom của Nga sau khi khi có căn cứ thực tế.

Mỹ và phương Tây vẫn cáo buộc các chiến đấu cơ Nga ném bom các vị trí của phe đối lập tại Syria, điều mà Mátxcơva một mực bác bỏ với khẳng định Nga chỉ tấn công các phần tử khủng bố.

Thay vì hành động, giới chức Washington giờ đang loay hoay với khối rubic mang tên chính trị Trung Đông, nơi mỗi sự dịch chuyển của một bộ phận liên kết lẫn nhau dường như có thể đẩy một giải pháp nhất quán ra xa tầm với. Mỗi ngày trôi qua lại cho thấy rõ ràng hơn sự mờ mịt của những giới hạn hành động, một điều được minh chứng rõ hơn hôm thứ Năm khi các tên lửa hành trình của Nga được nã từ biển Caspian vào Syria.

Hệ quả là, một số nhà cố vấn cho biết ông Obama có lẽ thực sự phải đợi xem sự can thiệp của Nga ra sao. Thất vọng và giận dữ khi không thể giải quyết cuộc khủng hoảng suốt hơn 4 năm qua, ông Obama và các cộng sự kín đáo bày tỏ một sự tin tưởng rằng Mátxcơva hầu như chắc chắn sẽ không thể thành công hơn họ.

Không quân Nga đã liên tiếp oanh tác các vị trí của IS tại Syria (Ảnh: AP)
Không quân Nga đã liên tiếp oanh tác các vị trí của IS tại Syria (Ảnh: AP)

Trong khi điện Kremlin dường như đã giành được thế chủ động, Nhà Trắng kết luận rằng Nga thực sự đang đẩy mình vào một cuộc xung đột các bộ tộc mà sẽ thách thức sức mạnh của Nga như từng thách thức Washington, và rằng Mátxcơva sẽ phải hối tiếc. Nhưng nhóm cộng sự của ông Obama cũng không ảo tưởng rằng cuộc xung đột Syria sẽ được giải quyết trước khi ông rời nhiệm sở trong vòng 15 tháng nữa.

Điều đó không có nghĩa là ông Obama sẽ không cho phép thay đổi chiến thuật trên thực địa. Chính quyền đang thúc đẩy kế hoạch gia tăng sức ép tại thành phố Raqqa, nơi được xem như thủ phủ của IS, bằng cách cung cấp đạn dược và có lẽ cả vũ khí cho các lực lượng đối lập tại Syria, và tăng cường không kích tại đây.

Dù vậy hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định đó sẽ làm thay đổi cán cân trên chiến trường đến đâu. Suốt một năm kể từ khi ông Obama phê chuẩn chiến dịch quân sự chống IS Mỹ và đồng minh đã thực hiện hơn 7300 vụ không kích tại Syria và Iraq. Vậy nhưng nhóm khủng bố này vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở cả hai quốc gia này.

Mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng Syria là không dễ tách bạch. Tại Iraq, Mỹ nhận thấy mình cần có Iran để chống lại IS, nhưng lại đối đầu với Iran tại Syria, khi Tổng thống Bashar al-Assad là đồng minh của Tehran. Ông Obama đến nay vẫn yêu cầu ông Assad phải ra đi.

Mỹ dù vậy không muốn dùng hành động quân sự với chính quyền Assad, và hối thúc các đồng minh tập trung vào cuộc chiến chống IS tại Syria. Thế nhưng những quốc gia Hồi giáo dòng Sunni như Arập xê út lại chỉ muốn phế truất chính quyền Assad.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif từng tóm lược tình cảnh của Mỹ đó là Washington đã tự nhốt mình trong một chiếc hộp do họ tạo ra. “Họ có những đồng minh không muốn làm suy yếu ISIS bởi như vậy sẽ tăng sức mạnh cho phe chính phủ (Syria)”, ông Zarif phát biểu tại New York khi tới dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. “Mỹ thì không thể chiến đấu chống IS bởi mối lo ngại từ các đồng minh của họ rằng việc đó sẽ củng cố sức mạnh cho một chính phủ họ xem là không thể chấp nhận”.

Tuần trước, ông Obama đã thừa nhận trong một cuộc họp báo rằng, một trong những lí do chương trình huấn luyện cho các phần tử đối lập tại Syria, để tấn công IS thất bại đó là do những chiến binh này quan tâm nhiều hơn đến việc phế truất ông Assad.

Nhưng Nhà Trắng lại tranh luận rằng việc Nga hậu thuẫn ông Assad sẽ chỉ kéo dài thêm cuộc xung đột, bởi Mátxcơva không phân biệt giữa IS và các nhóm đối lập ít cực đoan hơn, trong các chiến dịch ném bom những ai chống lại chính phủ Syria.

Giới chức Washington kín đáo cho biết họ không muốn để các mục tiêu chiến lược của mình bị Tổng thống Nga Putin tác động. Ưu tiên chính của họ lúc này đó là tránh sự va chạm bất ngờ của máy bay Nga và Mỹ trên bầu trời Syria, một nguy cơ khiến Lầu Năm Góc rất lo ngại.

Nhưng Washington ít hy vọng việc có thể khiến Nga ngừng các chiến dịch quân sự tại Syria, hoặc gia tăng những chi phí về kinh tế hoặc chính trị lên cao đến mức khiến Mátxcơva dừng lại. Cùng lúc đó một số quan chức cũng bác bỏ cái họ gọi là suy nghĩ viển vông rằng Mỹ và Nga có thể chấp thuận theo một cách nào đó để cùng tiến về phía trước. Do vậy họ chỉ chờ đợi Nga tự rút lui như từng xảy ra tại Afghanistan những năm 1980.

Thanh Tùng

Theo NYTimes

 

Nga hành động quyết đoán tại Syria, Mỹ “tê liệt” - 3