1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga gây cơn ác mộng mới với lá chắn phòng không Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Vũ khí Nga mới triển khai gây ra thêm thách thức khổng lồ với hệ thống phòng không vốn đã bị kéo căng của Ukraine trong hơn 1.000 ngày 2 bên nổ ra chiến sự.

Nga gây cơn ác mộng mới với lá chắn phòng không Ukraine - 1

Xác UAV Gerbera (Ảnh: Tình báo quân sự Ukraine).

Trong nhiều tháng chiến sự với Ukraine, Nga liên tục thực hiện các cuộc tấn công tên lửa và UAV quy mô lớn vào mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng chủ chốt của đối thủ.

Hệ thống phòng không Ukraine gần như hoạt động hết tốc lực để chống đỡ các đợt không kích tần suất dày đặc. Tuy nhiên, theo Forbes, sự xuất hiện của UAV giá rẻ Gerbera đang tạo ra một thách thức khổng lồ mới cho những tổ hợp phòng thủ của Ukraine.

Gerbera là phiên bản rẻ hơn và có uy lực không mạnh bằng UAV Geran (Ukraine và phương Tây nghi là Shahed của Iran). Tuy nhiên, giá của Gerbera rẻ chỉ bằng 1/10 so với Geran vì dùng vật liệu đơn giản như ván ép, đồng thời có thể làm nhiệm vụ trinh sát, và tấn công tự sát bằng thuốc nổ.

Giá cả phải chăng và tính đơn giản của Gerbera khiến nó trở thành mồi nhử hiệu quả trong các cuộc không kích, có nhiệm vụ làm cạn kiệt tên lửa phòng thủ đối phương. Hơn nữa, khi phòng không Ukraine cố gắng làm vô hiệu hóa Gerbera, UAV này có thể cung cấp thông tin về cho Nga liên quan tới các tổ hợp này để Moscow thực hiện các vụ tấn công kế tiếp.

Mùa hè năm ngoái, quân đội Nga đã bắt đầu triển khai Gerbera, có hình dạng tương tự nhưng nhỏ hơn một chút so với Geran. Nga tăng cường sử dụng UAV này với số lượng lớn trong thời gian qua.

Kể từ giữa tháng 7, Nga quyết định sử dụng Gerbera phối hợp với Geran trong các đợt không kích chiến lược vào Ukraine. Vì giá thành Gerbera rất rẻ nên chúng làm tăng đáng kể quy mô tấn công của Nga.

Ukraine đã nỗ lực đáp trả bằng hệ thống phòng thủ phối hợp, triển khai loạt tổ hợp Gepard của Đức, Patriot của Mỹ, kết hợp cùng tác chiến điện tử và bắn hạ trực tiếp bằng súng.

Tuy nhiên, giá trị thực sự của Gerbera nằm ở khả năng tấn công mồi nhử của UAV này. Nó có nhiệm vụ làm quá tải hệ thống phòng không động học của Ukraine bằng cách ồ ạt lao xuống như bầy đàn.

Các tổ hợp phòng thủ của Ukraine chỉ có thể đánh chặn được một số lượng giới hạn mục tiêu trong một khoảng thời gian nhất định và có thể phải chấp nhận bắn ra những quả tên lửa đánh chặn đắt đỏ gấp nhiều lần.

Bằng cách tăng số lượng vũ khí tấn công, Nga buộc Ukraine phải tăng tốc xử lý mục tiêu, cũng như phải xem xét kỹ lưỡng để không bị lọt hỏa lực của Moscow.

Thông tin từ hiện trường cho thấy rằng Nga thường bắn Gerbera trong đợt tấn công đầu tiên để tìm kiếm hệ thống phòng không Ukraine, rồi sau đó bắn Geran để tăng hiệu quả đánh trúng mục tiêu.

Khi tổ hợp phòng không Ukraine đánh chặn Gerbera, UAV này sẽ truyền thông tin về vị trí của hệ thống nói trên về lại cho Nga để Moscow có dữ liệu thời gian thực hỗ trợ việc ra quyết định tấn công.

Gerbera tiếp tục gây sức ép lên các nguồn lực phòng không vốn đã hạn chế của Ukraine. Chi phí thấp và tính đơn giản của nó cho phép Nga sản xuất những máy bay không người lái này với số lượng lớn, tiếp tục gây ra áp lực không nhỏ cho Ukraine.

Lợi ích của Gerbera không chỉ giới hạn ở các cuộc không kích chiến lược, mà còn mang lại lợi thế cho lực lượng mặt đất của Nga.

Bằng cách làm cạn kiệt các nguồn lực phòng không của Ukraine, Nga có khả năng triển khai thường xuyên hơn không quân, mang lại lợi thế đáng kể trên chiến trường.

Ngoài ra, công nghệ tác chiến điện tử của Ukraine, được tích hợp rộng rãi vào các hoạt động của họ, thường được sử dụng để gây nhiễu thông tin liên lạc của Nga. Bằng cách thăm dò công nghệ này, quân đội Nga có thể khám phá ra cách duy trì liên lạc bất chấp việc Ukraine gây nhiễu chủ động.

Theo Forbes, UAV Gerbera giúp Nga thực thi chiến lược tấn công tiêu hao nhờ sự đơn giản và số lượng lớn. Bất chấp những hạn chế về công nghệ, UAV này giúp Nga bào mòn tiềm lực của Ukraine.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine