1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga đưa robot sát thủ đến Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Bốn robot chiến đấu Marker của Nga đã được vận chuyển đến chiến trường Donbass, miền Đông Ukraine để bắt đầu thử nghiệm.

Nga đưa robot sát thủ đến Ukraine - 1

Một robot Marker của Nga (Ảnh: Tass).

Hãng thông tấn TASS ngày 2/2 dẫn thông tin trên tài khoản Telegram của ông Dmitry Rogozin, cựu lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và cũng là người đứng đầu nhóm cố vấn quân sự Tsar Wolves, cho hay các robot chiến đấu Marker của Nga đã có mặt tại Ukraine.

"Bốn robot Marker đã được đưa đến vùng Donbass theo đúng kế hoạch. Chúng tôi bắt đầu tải các hình ảnh mục tiêu và thử nghiệm thuật toán tác chiến trong khuôn khổ một đơn vị robot tác chiến, đồng thời lắp đặt thiết bị chống tăng mạnh mẽ", ông Rogozin viết.

Marker là một sản phẩm của Hiệp hội Nghiên cứu và sản xuất công nghệ Anndroid. Truyền thông nhà nước Nga đã công bố các cuộc thử nghiệm cuối cùng của robot Marker vào tháng 6/2020. Thiết bị này đã được thử nghiệm như một hệ thống an ninh cho sân bay vũ trụ Vostochny.

Oleg Martyanov, người đứng đầu Trung tâm phát triển công nghệ và các yếu tố cơ bản của người máy thuộc Quỹ nghiên cứu tiên tiến Nga, cho biết Marker được phát triển để có thể khai hỏa mục tiêu nhanh hơn nhiều lần so với con người. Marker được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng tầm bắn đến 6km, cùng với súng máy hạng nặng và một số vũ khí khác.

Theo ông Rogozin, robot này có khả năng lựa chọn mục tiêu một cách độc lập và tấn công bằng phương tiện pháo thích hợp. Robot này có thể phân biệt giữa dân thường và quân nhân để nhắm mục tiêu vào những người gây ra "mối đe dọa trực tiếp".

Moscow nói rằng, Marker có khả năng diệt xe tăng, kể cả các xe tăng hiện đại của phương Tây như Abrams, Leopard, cũng như các mục tiêu trên không.

Động thái triển khai robot chiến đấu Marker của Nga diễn ra không lâu sau khi một loạt quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan cam kết cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Kiev cho biết, các nước này cam kết chuyển hơn 300 xe tăng trong vòng vài tháng tới giúp Ukraine tăng cường lực lượng thiết giáp, sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công mới của Nga dự kiến vào mùa xuân này.

Giới quan sát cho rằng, Moscow có thể sẽ tìm cách tấn công trước khi Kiev kịp tiếp nhận khí tài mới từ đồng minh phương Tây. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhận định, Nga có thể sẽ chờ đến tháng 3 hoặc tháng 4 khi mặt đất ở Ukraine bắt đầu khô ráo để tiến hành đợt tấn công mới ở 2 hoặc 3 mặt trận, trong đó không loại trừ khả năng tiến công theo ngả Belarus để bao vây thủ đô Kiev.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ tháng 2/2022 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Hơn 11 tháng xung đột đã gây tổn thất lớn cho cả Moscow và Kiev, nhưng chưa bên nào có thể giành bước đột phá để chấm dứt chiến sự.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay khẳng định đã và sẽ không kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hỗ trợ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Được thành lập từ năm 1992, CSTO hiện gồm các nước thuộc Liên Xô trước đây: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Theo hiệp ước của nhóm, các hành động gây hấn nhằm vào một thành viên sẽ được xem như gây hấn với toàn bộ CSTO.

Theo TASS, Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm