1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga dự đoán thời điểm kinh tế tăng trưởng trở lại giữa "bão" trừng phạt

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Nga dự đoán thời điểm nền kinh tế nước này sẽ đạt được đà tăng trưởng trở lại sau khi bị phương Tây áp 11.000 lệnh trừng phạt vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga dự đoán thời điểm kinh tế tăng trưởng trở lại giữa bão trừng phạt - 1

Nga đã trở thành quốc gia bị áp nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới trong hơn nửa năm qua (Ảnh minh họa: China Daily).

Tass đưa tin, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Caspi ngày 6/10, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ trở lại đà tăng trưởng vững chắc trong hơn một năm tới.

"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ quay lại đà tăng trưởng chỉ trong hơn một năm. Và trong giai đoạn 2024-2025, GDP sẽ tiếp tục tăng, chủ yếu là do nhu cầu trong nước, tiêu dùng và nhu cầu đầu tư tăng lên, và nhờ vào việc thực hiện các ưu tiên chiến lược", ông dự đoán.

Thủ tướng Mishustin liệt kê cụ thể các ưu tiên của Nga là phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, xem xét việc chuyển hướng các dòng xuất nhập khẩu, cũng như tăng cường chủ quyền công nghệ, hỗ trợ đầu tư tư nhân và thị trường tài chính.

"Chúng tôi đều cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ có tính dài hạn. Nhiệm vụ chính là bảo vệ lợi ích của người dân và thỏa mãn các nhu cầu của nền kinh tế", quan chức Nga nhấn mạnh.

Tháng trước, Đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna, Áo Mikhail Ulyanov cho biết, các quốc gia phương Tây đã áp tổng cộng 11.000 lệnh trừng phạt khác nhau lên quốc gia này.

"Phương Tây đã ban hành số lượng lệnh trừng phạt kỷ lục lên Nga, vào khoảng 11.000 lệnh. Các công dân Nga cho đến lúc này đã không nhận ra điều đó", ông nói.

Hôm 7/9, Thủ tướng Nga Mishustin cho rằng, các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây áp lên Nga đã không thành công trong việc phá hoại sự ổn định về tài chính của Moscow. 

"Các biện pháp trừng phạt chưa từng có đã được áp dụng chống lại đất nước của chúng ta, nhưng họ không đạt được mục tiêu chính. Họ không thể làm suy yếu sự ổn định tài chính của Nga nhờ những quyết định nhanh chóng của Tổng thống (Nga Vladimir Putin)", ông Mishustin nhấn mạnh.

Theo ông, chính phủ, cùng với Ngân hàng Nga, đã cố gắng giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực của các lệnh cấm vận đối với người dân và doanh nghiệp Nga.

Tổng thống Putin đầu tháng 9 tuyên bố: "Các chuyên gia của Nga cả trong chính phủ và dinh tổng thống đều cho rằng nền kinh tế Nga đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tình hình đang dần trở nên bình thường, thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô".

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn 7 tháng trước, phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Moscow. Nga đã trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất trên thế giới.

Tổng thống Putin từng thừa nhận, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây ra hàng loạt vấn đề phức tạp cho Nga, nhưng đồng thời khiến Nga trở nên mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực. Ông Putin khẳng định Nga không có ý định cô lập nền kinh tế nước này với phần còn lại của thế giới và đã tìm cách đối phó với lệnh trừng phạt bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quan trọng bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm