Nga cáo buộc Ukraine chuẩn bị "chiến dịch cờ giả"
(Dân trí) - Chính quyền Nga mới đây đã lên tiếng cáo buộc Ukraine đang lên kế hoạch dàn dựng "một sự cố hạt nhân" trên lãnh thổ của mình để đổ lỗi cho Moscow trước một cuộc họp quan trọng của Liên hợp quốc.
Trong một tuyên bố hôm 20/2, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc, số lượng lớn các chất phóng xạ được vận chuyển từ một quốc gia châu Âu giấu tên đến Ukraine và Kiev đang chuẩn bị cho một "hành động khiêu khích" quy mô lớn.
"Mục đích của hành động khiêu khích là cáo buộc quân đội Nga thực hiện các cuộc tấn công bừa bãi vào các cơ sở phóng xạ nguy hiểm ở Ukraine, dẫn đến rò rỉ chất phóng xạ và ô nhiễm khu vực", tuyên bố cho biết.
Nga đã nhiều lần cáo buộc Kiev lên kế hoạch cho các "chiến dịch cờ giả" bằng vũ khí phi thông thường sử dụng vật liệu sinh học hoặc phóng xạ. Trên thực tế, chưa có cuộc tấn công nào xảy ra.
Ukraine và các đồng minh bác bỏ những cáo buộc như vậy, coi đó là chiến dịch hoài nghi nhằm truyền bá thông tin sai lệch của Nga, đồng thời cáo buộc Moscow tự lên kế hoạch cho các vụ việc nhằm đổ lỗi cho Ukraine.
Cáo buộc của Moscow được đưa ra khi các quan chức Ukraine kêu gọi giới chính trị gia Mỹ gây áp lực buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.
Phía Ukraine nói rằng, máy bay chiến đấu này sẽ giúp tăng cường năng lực chống chọi của Ukraine trong các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Các hoạt động vận động hành lang đang diễn ra liên tục vào cuối tuần qua bên lề Hội nghị An ninh Munich trong các cuộc đàm phán giữa các quan chức Ukraine, bao gồm Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, và các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ.
"Họ nói với chúng tôi là muốn có được những chiếc F-16 nhằm trấn áp hệ thống phòng không của đối thủ và có thể triển khai hệ thống tấn công máy bay không người lái (UAV) chống lại Nga", thượng nghị sĩ Mark Kelly, cựu phi công lái các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ cho biết.
Tháng trước, Tổng thống Biden liên tục bác bỏ khi được hỏi liệu ông có chấp thuận yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu F-16 của Kiev hay không. Nhưng các quan chức Mỹ nói rằng, tuyên bố của ông Biden không có nghĩa là Washington loại trừ hoàn toàn việc cung cấp F-16 cho Kiev trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong vài tuần và vài tháng tới", Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nói.
Những tranh cãi về nguồn cung cấp vũ khí gia tăng giữa lúc Nga vẫn tăng cường các cuộc tập kích ở Ukraine.
Quân đội Ukraine gần thị trấn nhỏ Siversk, ở phía đông đất nước, cho biết họ đã sẵn sàng cho một trong những cuộc tấn công mới quy mô lớn của Nga trong những ngày tới.
Siversk, nơi có dân số 10.000 người trước chiến tranh, cách Bakhmut 35km về phía bắc, là nơi diễn ra giao tranh ác liệt trong những tuần gần đây. Đây cũng là con đường trực tiếp đến một trong những thị trấn trọng điểm khác ở vùng Donetsk là Sloviansk.
"Nếu Nga chiếm Bakhmut, chúng ta sẽ bị bán bao vây, bởi vì bên trái chúng ta có sông Siverskyi Donets, và đối thủ sẽ tấn công từ bên phải, và có thể cắt đứt nếu chúng đến đường cao tốc Bakhmut", phó Chỉ huy tiểu đoàn Siversk, người đã sử dụng biệt danh du kích "Han" cho biết.
Một người lính bảo vệ Siversk cho biết, lực lượng pháo binh chủ yếu từ thời Liên Xô của Ukraine đã bị kẻ thù tiêu diệt. "Chúng tôi mở một cuộc tấn công bằng pháo và phía Nga có thể làm điều đó gấp 5 lần với quy mô gấp 5 lần chúng tôi", anh Stefan, 30 tuổi nói.
"Thật khó khăn cho những người đang chiến đấu ở đây, đặc biệt là ở tuyến đầu", anh nói thêm.
Trận chiến giành thành phố Bakhmut đang đến giai đoạn căng thẳng.
Chiếm được Bakhmut sẽ giúp quân đội Nga có bàn đạp để tiến vào hai thành phố lớn hơn ở phía tây là Kramatorsk và Sloviansk. Đó cũng có thể là liều thuốc tinh thần, và mở ra cơ hội kiểm soát toàn bộ Donbass với phía Nga.
Nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây nói rằng, Bakhmut chỉ mang tính biểu tượng lớn đối với Moscow, xét về thời gian và tổn thất kéo dài.