1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cáo buộc Mỹ "đổ thêm dầu vào lửa", cảnh báo xung đột trực diện

Thành Đạt

(Dân trí) - Các quan chức Nga cảnh báo việc Mỹ chuyển vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột trực diện giữa Moscow và Washington.

Nga cáo buộc Mỹ đổ thêm dầu vào lửa, cảnh báo xung đột trực diện - 1

Một hệ thống rocket phóng loạt của Mỹ (Ảnh minh họa: AFP).

"Bất kỳ hoạt động cung cấp vũ khí nào, vốn đang tiếp diễn và gia tăng, đều làm leo thang nguy cơ như vậy", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với các phóng viên hôm nay 1/6, đề cập đến khả năng xảy ra cuộc đối đầu trực diện giữa Nga và Mỹ.

Tuyên bố của ông Ryabkov được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 tuyên bố Washington sẽ cung cấp các loại pháo tầm trung tiên tiến cho Ukraine để nhắm vào các "mục tiêu quan trọng" trên chiến trường. Một số quan chức Mỹ tiết lộ đó là hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142.

Các hệ thống pháo trên được cho là nằm trong gói hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trị giá 700 triệu USD mà Mỹ dự kiến công bố hôm nay 1/6. Gói viện trợ này sẽ bao gồm đạn dược, hệ thống radar, tên lửa Javelin và một số vũ khí chống tăng khác.

"Chúng tôi tin rằng Mỹ đang cố tình đổ thêm dầu vào lửa. Rõ ràng Mỹ vẫn giữ lập trường rằng họ sẽ chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho biết.

Một số nhà phân tích cho rằng, HIMARS có thể là "vũ khí thay đổi cuộc chơi" ở thời điểm lực lượng Ukraine đang chật vật đối phó hỏa lực của Nga ở miền Đông.

Tiết lộ lý do cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống pháo tiên tiến, Tổng thống Biden cho biết các nước "phải nhanh chóng gửi một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược cho Ukraine để họ chiến đấu và ở vị thế mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán".

Tổng thống Biden nhấn mạnh, Washington sẽ không gửi cho Kiev những vũ khí để tấn công vào lãnh thổ Nga vì Mỹ không muốn xảy ra xung đột giữa Nga và NATO trừ khi đồng minh bị tấn công. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cũng đồng tình với quan điểm này.

"Chúng tôi không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho phép Ukraine tấn công Nga từ bên trong lãnh thổ Ukraine, và Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ về điều đó. Chúng tôi sẽ không trở thành một bên tham chiến", bà Thomas-Greenfield cho biết.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga không chấp thuận lời giải thích của Mỹ. Ông Ryabkov cho rằng Washington đang khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine trở nên nguy hiểm hơn và Nga coi việc Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine là hành động "vô cùng tiêu cực".

"Một thực tế rõ ràng đó là Mỹ, dẫn đầu một nhóm quốc gia, đang tham gia vào việc bơm vũ khí một cách có chủ đích cho chính quyền Kiev", ông Ryabkov cho biết.

Theo nhà ngoại giao Nga, trong nhiều năm qua, Mỹ không hành động để ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang với Nga về vấn đề Ukraine. Ông Ryabkov cho rằng Mỹ đã ngăn cản nỗ lực cuối cùng của Moscow trong việc đàm phán một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết những lo ngại của Nga về sự mở rộng của NATO ở châu Âu.

Thứ trưởng Ryabkov cho rằng Mỹ quyết tâm "chiến đấu (với Moscow) tới người Ukraine cuối cùng để gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga". "Đây là điều chưa từng có và điều này thật nguy hiểm", ông Ryabkov cảnh báo.

Nga nhiều lần cảnh báo coi các phương tiện chở vũ khí của Mỹ và NATO trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu quân sự. Moscow tuyên bố việc trao cho Ukraine vũ khí tầm xa có thể khiến phương Tây bị trả đũa nếu Nga bị tấn công.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine