1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Mỹ tìm kiếm ưu thế răn đe có thể kéo theo một cuộc chiến toàn diện, Nga cảnh báo.

Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với Mỹ - 1

Một máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 của Nga (Ảnh: Military).

Theo RT, Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/2 cảnh báo, Mỹ đã "phát động một cuộc chiến hỗn hợp" và khiến hai quốc gia hạt nhân đứng trước nguy cơ xung đột trực tiếp.

Moscow cho rằng, những yêu cầu của Washington về việc thanh tra hạt nhân ở Nga là "vô nghĩa" và cáo buộc Mỹ hỗ trợ Ukraine tấn công các lực lượng hạt nhân chiến lược của Moscow.

Bộ Ngoại giao Nga không nêu cụ thể lực lượng hạt nhân nào bị tấn công, song trước đó Bộ Quốc phòng của nước này nghi ngờ Ukraine đứng sau hai vụ tấn công nhằm vào căn cứ không quân Engels của Nga ở vùng Saratov. Cả hai vụ việc đều xảy ra trong tháng 12/2022 và được cho là sử dụng máy bay không người lái tầm xa do Liên Xô sản xuất. Dyagilevo, một căn cứ khác của Nga ở vùng Ryazan, cũng bị tập kích. Hai căn cứ này đều là nơi đồn trú các máy bay ném bom chiến lược của Moscow.

Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa hai nước bằng cách ngăn chặn các cuộc thanh tra tại chỗ. Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thông báo cho quốc hội, đánh dấu tuyên bố đầu tiên của Mỹ rằng Moscow vi phạm các điều khoản của hiệp ước New START.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ thông tin trên và lập luận hiệp ước cho phép tạm dừng hoạt động thanh tra. Moscow cũng chỉ trích ngược Washington ngăn thanh sát viên của Nga làm công việc của họ ở Mỹ, buộc Nga phải đáp trả tương xứng.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước này giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa và 800 bệ phóng.

Gần đây nhất, vào ngày 4/2/2021, chính quyền của Tổng thống Biden thông báo gia hạn New START thêm 5 năm, chỉ một ngày trước khi hiệp ước hết hạn. Trước đó vài ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ký luật tương tự. Với quyết định này, Moscow và Washington chính thức gia hạn hiệp ước duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai nước.

Xung đột tại Ukraine có nguy cơ làm gia tăng mối lo ngại rằng hai siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới có thể không còn khả năng hợp tác với nhau về các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Moscow đang xấu đi.

"Cho đến khi Mỹ thay đổi lập trường thù địch với Nga và từ bỏ chính sách gia tăng các mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi, Moscow sẽ coi bất kỳ cử chỉ thiện chí nào được đề xuất theo hiệp ước hạt nhân là "không chính đáng, không đúng lúc và không cần thiết", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine