1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo xe tăng Đức ở Ukraine sẽ bị bắn cháy

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cảnh báo xe tăng Leopard của Đức gửi đến Ukraine sẽ chịu chung số phận như khí tài từng bị phá hủy trước đây trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Nga cảnh báo xe tăng Đức ở Ukraine sẽ bị bắn cháy - 1

Xe tăng Leopard-2 (Ảnh: AFP).

Trong thông điệp trên Telegram kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Nga trong Trận chiến Stalingrad, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin hôm 2/2 cho biết, chiến thắng của Moscow trong trận chiến đã phải trả giá đắt, với cái chết của hơn một triệu binh sĩ.

Ông Volodin cho rằng Đức dường như không học được bài học từ chiến thắng của Nga ở Stalingrad, nay được gọi là Volgograd. Ông chỉ trích cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng giúp chính quyền Ukraine "chuẩn bị cho chiến tranh". Theo quan chức Nga, chính phủ Đức hiện tại dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz thậm chí còn tiến xa hơn khi gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine.

"Số phận của những xe tăng đó cũng sẽ tương tự 80 năm trước. Những chiếc Leopard sẽ bị đốt cháy, lặp lại số phận của những xe tăng Tiger thời phát xít. Giới lãnh đạo Đức nên giải thích chính xác cho người dân của mình tại sao họ một lần nữa lôi kéo người dân Đức vào cuộc chiến. Và hãy nhớ đến trận chiến năm 1943, tuy đã xảy ra từ lâu nhưng vẫn đáng nhớ", ông Volodin nói.

Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokoltsev ngày 25/1 cảnh báo, các xe tăng Leopard hiện đại do Đức cấp cho Ukraine sẽ bị "đốt cháy" tương tự các xe tăng "tiền nhiệm" Tiger và Panther - những khí tài từng bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chính phủ Đức tháng trước xác nhận sẽ chuyển giao 14 xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của Đức và sẽ ủy quyền cho các quốc gia khác cấp xe tăng do Đức sản xuất cho Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, các xe tăng Leopard đầu tiên có thể được chuyển đến Ukraine trong khoảng 3-4 tháng nữa.

Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechayev chỉ trích quyết định cấp xe tăng của Đức cho Ukraine là hành động "cực kỳ nguy hiểm" vì "đưa xung đột lên một cấp độ đối đầu mới". Theo nhà ngoại giao Nga, sự lựa chọn của Berlin báo hiệu "sự từ chối cuối cùng của Đức trong việc thừa nhận trách nhiệm lịch sử" đối với những tội ác của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông cho rằng, quyết định này khiến "con đường hòa giải khó khăn sau chiến tranh giữa Nga và Đức" càng trở nên khó khăn hơn.

Moscow đã nhiều lần kêu gọi phương Tây không can thiệp vào cuộc xung đột tại Ukraine. Nga cảnh báo các thiết bị quân sự đổ vào Ukraine chỉ khiến giao tranh kéo dài và đàm phán trở nên bế tắc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov ngày 2/2 tuyên bố, Ukraine sẵn sàng đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, ngoại trừ các khu vực Nga mới tuyên bố sáp nhập. Năm ngoái, Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực tại Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Trước đó, bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine cũng sáp nhập vào Nga năm 2014.

"Ukraine sẵn sàng cung cấp mọi hình thức đảm bảo rằng vũ khí của nước ngoài (phương Tây) sẽ không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Chúng tôi có đủ mục tiêu trong các khu vực Ukraine tạm thời kiểm soát và chúng tôi sẵn sàng phối hợp nhắm mục tiêu với các đối tác của mình", Bộ trưởng Reznikov nói.

Theo Eurasiantimes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine