1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo phương Tây về thay đổi học thuyết hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân để đáp trả các hành động của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga cảnh báo phương Tây về thay đổi học thuyết hạt nhân - 1

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars của Nga diễu binh trên Quảng trường Đỏ năm 2023 (Ảnh: Reuters).

"Như chúng tôi đã nhiều lần nói trước đây, các công việc đang ở giai đoạn nâng cao và có ý định rõ ràng là sẽ đưa ra một sự điều chỉnh đối với học thuyết hạt nhân. Một trong những lý do là việc xem xét và phân tích diễn biến của các cuộc xung đột gần đây, bao gồm mọi thứ liên quan đến quá trình leo thang của các đối thủ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố hôm 1/9.

Ông giải thích rằng các tài liệu tương ứng đang được hoàn thiện, nhưng vẫn còn quá sớm để nói về khung thời gian cụ thể để hoàn thành việc thay đổi học thuyết hạt nhân.

"Khung thời gian để hoàn thành là một vấn đề khá phức tạp, vì chúng ta đang nói về khía cạnh quan trọng nhất của an ninh quốc gia", ông Ryabkov lưu ý.

Trước đó, Thứ trưởng Ryabkov thừa nhận tình hình quốc tế ngày càng trở nên "phức tạp" và không thể loại trừ những thay đổi đối với quan điểm hạt nhân của Nga. Ông nhấn mạnh, Nga có thể thay đổi học thuyết hạt nhân nếu các hành động leo thang của Mỹ và đồng minh buộc Moscow phải làm như vậy.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết học thuyết hạt nhân của Moscow rất linh hoạt và có thể được điều chỉnh nếu cần thiết.

"Chúng tôi đang cẩn trọng theo dõi từng biến động của thế giới, những gì đang diễn ra xung quanh chúng tôi và không loại trừ khả năng đưa ra một số thay đổi đối với học thuyết này", ông Putin nói.

Theo học thuyết hiện tại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.

Ông Andrey Kartapolov, Chủ tịch ủy ban quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cũng nói rằng học thuyết hạt nhân của Nga có thể được điều chỉnh để ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào Moscow.

"Tình hình xung quanh đất nước chúng tôi đang thay đổi, tình hình quốc tế đang thay đổi, với những thách thức và mối đe dọa mới đang xuất hiện. Nếu chúng tôi thấy rằng bất kỳ tài liệu nào, bao gồm cả học thuyết hạt nhân, cần được sửa đổi để đối phó với những mối đe dọa này, chúng tôi sẽ làm điều đó", quan chức Nga nói.

Việc phương Tây "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào Nga làm dấy lên lo ngại phương Tây sắp vượt qua "ranh giới đỏ" mà Moscow đã đưa ra.

Moscow coi việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công lãnh thổ Nga là "lằn ranh đỏ" sẽ buộc họ đáp trả bằng mọi phương tiện có thể, trong đó có vũ khí hạt nhân.

Tuy vậy, Tổng thống Putin khẳng định, Nga không cần đến vũ khí hạt nhân để giành thắng lợi ở Ukraine. Tuyên bố này có lẽ là tín hiệu rõ ràng nhất tính đến hiện tại của Nga cho thấy xung đột ở Ukraine sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Ông Putin hy vọng một cuộc chiến hạt nhân sẽ không bao giờ nổ ra bởi một cuộc xung đột như vậy sẽ gây thương vong lớn cho tất cả mọi người. Ông cũng cho rằng nếu các nước thành viên NATO ở châu Âu tìm cách khiêu khích Nga bằng cách thực hiện một phản ứng hạt nhân, Mỹ có thể đứng ngoài cuộc.

Chủ nhân Điện Kremlin nói thêm, trong khi Nga và Mỹ đều có hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả để phát hiện tên lửa đang lao tới thì các nước thành viên của NATO ở châu Âu lại không có.

Theo Reuters