1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan chức châu Âu cảnh báo "thảm họa hạt nhân Chernobyl" ở Kursk

Thành Đạt

(Dân trí) - Chính trị gia Slovenia cảnh báo cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân và châm ngòi Thế chiến 3.

Quan chức châu Âu cảnh báo thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Kursk - 1

Nhà máy điện hạt nhân Kursk ở vùng Kursk, Nga (Ảnh: Sputnik).

"Mục tiêu của cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là gây ra thảm họa giống như Chernobyl và làm ô nhiễm toàn bộ châu Âu bằng phóng xạ", Chủ tịch Đảng Quốc gia Slovenia Zmago Jelincic cho biết hôm 23/8.

Chính trị gia Slovenia cáo buộc cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát vào nhà máy điện hạt nhân Kursk là một nỗ lực nhằm gây ra Thế chiến 3.

"May mắn thay, cuộc tấn công khủng bố chưa từng có này đã thất bại. Đó là một nỗ lực nhằm gây ra Thế chiến 3", chính trị gia Slovenia cho biết.

Nga ngày 23/8 cáo buộc Ukraine tìm cách tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk bằng máy bay không người lái và gọi đây là hành động "khủng bố hạt nhân".

"Đây là hành động khủng bố hạt nhân, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phải phản ứng ngay lập tức đối với hành động khủng bố hạt nhân này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh.

Nhà máy điện hạt nhân Kursk nằm ở tỉnh Kursk thuộc miền tây Nga, nơi giao tranh ác liệt đã nổ ra kể từ khi lực lượng Ukraine bất ngờ đột nhập từ ngày 6/8.

Hôm 22/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cáo buộc Ukraine cố gắng tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk, đồng thời cho biết Moscow đã thông báo vụ việc này cho IAEA. 

Theo bà Zakharova, kế hoạch của Kiev không chỉ gây ra "mối đe dọa trực tiếp" đến an ninh của nhà máy điện hạt nhân mà còn đi ngược lại các nguyên tắc của IAEA do người đứng đầu cơ quan này, Rafael Grossi, xây dựng vào năm 2022, trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát.

Dù không đưa ra thông tin chi tiết về khả năng trả đũa nhưng Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh một kế hoạch tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Kursk sẽ vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc về chống khủng bố hạt nhân.

Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi dự kiến sẽ đến thăm nhà máy điện hạt nhân này vào tuần tới. Quan chức IAEA kêu gọi các bên kiềm chế tối đa để "tránh xảy ra tai nạn hạt nhân đáng tiếc".

Nhà máy điện hạt nhân Kursk đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho một số khu vực lân cận. Giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine ở Kursk những ngày gần đây làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn hạt nhân.

Năm 1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nằm cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 100km, bất ngờ phát nổ, gây ra đám cháy lớn và phát tán phóng xạ ra toàn bộ khu vực xung quanh. 

Vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl đã dẫn đến thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử. Nhiều khu vực rộng lớn đã bị nhiễm phóng xạ nghiêm trọng, từ Ukraine, Belarus, Nga cho tới khu vực Đông và Tây Âu.

Các nhà khoa học ước tính phải mất vài nghìn năm nữa, con người mới có thể quay về sinh sống tại khu vực xung quanh nhà máy Chernobyl với mức độ phóng xạ an toàn. 

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới, số người chết vì bệnh ung thư sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ước tính lên tới 4.000 người do bị nhiễm xạ ở mức độ cao. 

Theo Tass