1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cảnh báo kịch bản có thể dẫn tới xung đột hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, nếu một cường quốc hạt nhân thất bại trong một cuộc chiến thông thường, thì điều đó có thể kích hoạt một cuộc xung đột hạt nhân.

Nga cảnh báo kịch bản có thể dẫn tới xung đột hạt nhân - 1

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, ông Medvedev ngày 19/1 cảnh báo với khối NATO về kịch bản có thể làm bùng phát một cuộc chiến hạt nhân.

"Việc một cường quốc hạt nhân thất bại trong một cuộc chiến thông thường có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ thua trong các cuộc xung đột lớn mà số phận của họ phụ thuộc vào đó", ông Medvedev tuyên bố.

Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh các nước NATO dự kiến gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức vào ngày 20/1 để thảo luận về chiến lược của phương Tây để hỗ trợ Ukraine đánh bại Nga ở Ukraine. Ông Medvedev cảnh báo NATO nên suy nghĩ về những rủi ro trong chính sách của họ.

Nga và Mỹ cho đến nay là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất, nắm giữ khoảng 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu.

Trước đó, các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên chiến trường Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục đối mặt với bước lùi trên chiến trường trong vài tháng cuối năm ngoái.

Nga tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của Nga và vùng lãnh thổ sáp nhập bằng mọi biện pháp có thể, kể cả bằng vũ khí hạt nhân. Phương Tây coi cảnh báo này của Nga là "mối đe dọa hạt nhân". 

Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên trong thời gian qua, đặc biệt sau khi Nga cho sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 10 năm ngoái cảnh báo, thế giới đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1962. 

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine