DNews

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời

N. Tuấn Sơn

(Dân trí) - Kể từ đầu cuộc xung đột tới nay, chưa bao giờ Nga bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của đối phương đến thế, 24 chiếc chỉ trong vòng 5 ngày. Không quân Ukraine choáng váng.

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời

Mỹ - NATO thường "quét sạch bầu trời", Nga thì không

Thật khó lý giải tại sao ngay khi bất ngờ mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga - một cường quốc hàng đầu thế giới với ưu thế vượt trội, lại không thể loại bỏ hoàn toàn lực lượng phòng không - không quân của Ukraine?

Các sân bay ở phía Tây Ukraine cùng những đơn vị không quân đồn trú ở đó còn nguyên vẹn, vài giờ sau khi xung đột bùng nổ, các máy bay chiến đấu, trực thăng và tên lửa phòng không của Ukraine đã sơ tán thành công, chuyển sang chiến thuật phòng tránh đánh trả. Lực lượng tiêm kích của Kiev có tổn thất nhưng họ vẫn bảo toàn được đáng kể sức mạnh.

Ngay cả các chuyên gia phương Tây cũng bất ngờ về điều này. Họ từng dự đoán rằng Nga sẽ cố gắng tiêu diệt ngay lực lượng phòng không - không quân đối phương, nhưng khi mà tiêm kích MiG-29, Su-27 vẫn bay, các hệ thống tên lửa phòng không của Ukraine vẫn liên tiếp khai hỏa đã khiến các chuyên gia bối rối.

Rob Lee, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết, có rất nhiều thứ họ đang gây bối rối. Ông nghĩ rằng: "Moscow mở đầu cuộc xung đột sẽ là sử dụng vũ lực tối đa.... Bởi vì cứ qua mỗi một ngày là chi phí và rủi ro tăng lên, nhưng Nga không làm điều đó và điều này thực sự khó giải thích vì bất kỳ lý do thực tế nào".

Trái ngược với Nga, Mỹ - siêu cường số một thế giới - thường ưu tiên tập kích đường không tổng lực để đè bẹp phòng không - không quân đối phương trước khi tung bộ binh vào tham chiến.

Thực tế cho thấy, các cuộc xung đột mà Mỹ tham gia thường mở màn bằng một cuộc tập kích đường không quy mô lớn. Việc áp chế hoặc tiêu diệt thành công hệ thống phòng không, không quân  đối phương đồng nghĩa với chiến thắng gần như đã nắm chắc trong tay.

Điều này đã được minh chứng trong chiến tranh Iraq năm 2003 khi không lực Mỹ dễ dàng áp chế hệ thống phòng không không quân của Iraq, sau đó không lâu lực lượng bộ binh nước này nhanh chóng bị đánh bại.

Trước đó, Nam Tư cũng phải đương đầu với lực lượng hùng hậu của Mỹ - mặc dù bảo toàn được đáng kể sức mạnh chiến đấu, chống trả quyết liệt và gây được nhiều thiệt hại cho đối phương, nhưng cuối cùng họ vẫn bị khuất phục.

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời - 1
Tưởng rằng Moscow mở đầu cuộc xung đột sẽ là sử dụng vũ lực tối đa.... Bởi vì cứ qua mỗi một ngày là chi phí và rủi ro tăng lên, nhưng họ không làm điều đó và điều này thực sự khó giải thích vì bất kỳ lý do thực tế nào.
Rob Lee, chuyên gia thuộc Chương trình Á Âu của Viện Nghiên cứu chính sách đổi ngoại

Nga rõ ràng không làm được giống Mỹ, phòng không - không quân Ukraine vẫn tồn tại, phải chăng bài học tương đối cay đắng ở Gruzia năm nào vẫn chưa giúp họ "tỉnh ngủ" hoàn toàn?

Còn nhớ, trong cuộc "Chiến tranh 5 ngày" bắt đầu từ 8/8/2008 với Gruzia ở Nam Ossetia, không quân Nga được trao cho một trong những vai trò quyết định là trinh sát và đánh các mục tiêu, cắt đứt, chặn giao thông, phá kho tàng và khu vực tập trung binh lực của đối phương.

Trong 5 ngày lâm trận, Không quân Nga, kể cả lực lượng không quân vận tải, đã thực hiện gần 2.500 phi vụ. Trong 3 ngày đầu, không quân chiến thuật Nga đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, gây tổn thất lớn cho quân đội Gruzia, tiêu diệt được đa số các mục tiêu hạ tầng quốc phòng, phá hủy đường băng cất, hạ cánh của hầu hết các sân bay Gruzia, kể cả đường băng cất cánh của Nhà máy hàng không Tbilisi.

Chỉ sân bay ở Tbilisi là không bị đánh bom. Theo báo cáo, các lực lượng phòng không của Nga tiêu diệt 3 Su-25 của Gruzia.

Nhưng tổn thất của Không quân Nga gồm 6 máy bay chiến đấu, trong đó có 2 chiếc Su-25SM và Su-25BM, 2 chiếc Su-24M và một máy bay ném bom siêu âm tầm xa Tu-22M3 lại là sự kiện gây "choáng váng" không chỉ với Moscow mà còn với cả Phương Tây.

Chuyên gia Mikhail Barabanov, khi mổ xẻ những nguyên nhân gây tổn thất lớn cho Không quân Nga đã nhận định, các máy bay Su-24, Su-25, Tu22M3 xâm nhập tiến công vào Nam Ossetia và sâu trong nội địa Gruzia mà không được hỗ trợ gây nhiễu trong và ngoài đội hình thì phòng không Gruzia dù được trang bị không mấy hiện đại cũng chẳng gặp khó khăn gì đáng kể trong kiểm soát vùng trời và đánh trả.

Bên cạnh đó, trình độ hiệp đồng, phối hợp giữa không quân, lục quân Nga không cao, nếu không nói là tách biệt, ít gắn kết.

Phải khẳng định, ban đầu Moscow đã đánh giá thấp khả năng phòng không của Gruzia và cho rằng tên lửa Buk và Osa của Gruzia thường sử dụng chiến thuật phục kích. Nhưng chính hệ thống Buk-M1 của Gruzia trong những ngày đầu tiên đã hạ máy bay Su-25 và Tu-22M3. Những sai lầm trong đánh giá đối phương, khiến Nga đã phải trả giá đắt.

Kinh nghiệm không kích ở Chechnya, Afghanistan họ chưa nắm rõ hoặc bị lãng quên.

Các phi vụ của Nga đã bay trên cùng một đường bay, bộc lộ quy luật. Điều này chứng tỏ việc vạch tuyến công kích đa dạng, lắt léo không được coi trọng. Rõ ràng là cuộc chiến tranh 5 ngày năm 2008 chống Gruzia đã bộc lộ nhiều nhược điểm.

Nhờ "cú hích" quan trọng từ 5 ngày đáng nhớ khi lâm trận ở Gruzia, không quân Nga đã có nhiều bước tiến nhảy vọt. Nhưng như thế là chưa đủ!

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời - 2

Bị Mỹ áp chế quá mạnh, Không quân Iraq phải cất giấu tiêm kích MiG-25 ở sa mạc (Ảnh: Air Force).

Nga bị Ukraine phản đòn

Việc không loại trừ triệt để năng lực của phòng không - không quân Ukraine đã khiến Moscow phải trả giá.

Sau những tổn thất ban đầu, Ukraine đã thực hiện tốt chiến thuật phòng tránh đánh trả và có những trận phục kích, tấn công hiệu quả.

Cụ thể, đáng chú ý nhất về phòng không là trận phục kích diệt 4 máy bay Nga trong vài giờ ở vùng biên giới Bryansk giáp đông bắc Ukraine. Hãng tin Kommersant ngày 13/5 cho biết, 2 máy bay chiến đấu phản lực và 2 trực thăng của Moscow bị bắn hạ gồm 1 Su-35, 1 Su-34 và 2 Mi-8.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, cả 4 máy bay nói trên bị hạ là kết quả của một trận phục kích do phòng không Ukraine thực hiện. Lực lượng Kiev đã bất ngờ điều động một số hệ thống tên lửa lên sát biên giới phục kích đường bay quen thuộc của Không quân Nga.

Về không quân, do giữ được lực lượng máy bay Su-24, Su-27 và MiG-29, Ukraine đã sử dụng các chiến đấu cơ đã được phương Tây hỗ trợ nâng cấp này để phóng tên lửa hành trình do Anh và Pháp cung cấp, tấn công vào các căn cứ hải quân, không quân Nga ở Crimea và tại các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát.

Vụ tập kích đáng chú ý nhất là tấn công nhà máy đóng tàu ở Sevastopol, gây thiệt hại nặng cho cơ sở vật chất, làm hư hỏng tàu ngầm Kilo và tàu đổ bộ cỡ lớn. Tiếp đó, trụ sở Hạm đội Biển Đen cũng bị tên lửa hành trình Ukraine đánh sập một phần.

Chưa hết, các chiến đấu cơ Ukraine còn phóng tên lửa vào các sân bay khiến nhiều trực thăng Nga bị hư hại.

Mặc dù phòng không Nga rất hiện đại, có số lượng lớn, bố trí dày đặc nhưng cũng không thể đánh chặn hết được tên lửa của Ukraine, chỉ cần vài quả lọt lưới thôi là cũng đủ để dẫn tới hậu quả nặng nề.

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời - 3

Ukraine tập kích thành công một sân bay, phá hủy nhiều trực thăng Nga (Ảnh: PLANET LABS PBC).

Nga ra đòn bất ngờ khiến Ukraine choáng váng

Tuy đã muộn nhưng còn hơn không, Nga gần đây liên tiếp tổ chức các đợt tập kích vào các sân bay, các kho cất trữ tên lửa hành trình của Ukraine để triệt hạ năng lực tấn công tầm xa của đối phương. Họ đã thành công một phần, khiến Không quân Ukraine ngừng cất cánh bắn Shadown Storm hay SCALP trong khoảng gần 40 ngày.

Phải tới 2 tuần trở lại đây, tần suất hoạt động của máy bay Ukraine mới trở nên dồn dập. Và đó cũng chính là lúc Nga bất ngờ ra đòn khiến đối phương choáng váng.

Ngày 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thông báo, quân đội Nga đã sở hữu hệ thống phòng không diệt 24 máy bay quân sự của Ukraine trong 5 ngày, nhưng ông không nêu cụ thể tên hệ thống này.

Tiếp đó, phát biểu tại cuộc họp hôm 1/11, ông tuyên bố lực lượng Nga đã thực hiện hơn 1.400 vụ đánh chặn thành công trong tháng 10, trong đó bao gồm 37 máy bay chiến đấu của Ukraine, gần gấp đôi số tiêm kích F-16 mà các quốc gia phương Tây dự định cấp cho Kiev.

Cập nhật mới nhất của Moscow hôm 3/11 cho biết, trong vòng một tuần qua, máy bay chiến đấu và các hệ thống phòng không đã tiêu diệt 10 máy bay của Ukraine và một trực thăng, bao gồm: 5 MiG-29, 3 Su-27, 1 máy bay cường kích Su-25, 1 chiếc máy bay huấn luyện L-39 và trực thăng Mi-8.

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời - 4

Đồ họa tiêm kích Nga bắn hạ chiến đấu cơ Không quân Ukraine (Ảnh minh họa: Military Daily).

Ngoài ra, 4 tên lửa chiến thuật ATACMS, 3 quả bom dẫn đường JDAM, 3 tên lửa chống radar HARM, 51 quả đạn của hệ thống HIMARS và 274 máy bay không người lái đã bị đánh chặn.

Mặc dù Kiev không bình luận, nhưng nếu thông tin do Nga công bố là có thật thì đây là một tổn thất lớn với Không quân Ukraine.

Vậy Nga đã sử dụng loại vũ khí gì và chiến thuật nào để liên tiếp tiêu diệt nhiều máy bay của Ukraine trong thời gian ngắn đến thế?

Thứ nhất, "mắt thần trên không" A-50 đã góp công lớn. Khác với Mỹ - NATO, Nga dường như không mấy chú trọng tới việc phát triển các loại máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).

A-50 AWACS được sản xuất từ năm 1978 cho tới năm 1992 với tổng số 40 đến 42 chiếc được xuất xưởng, Nga được thừa hưởng phần lớn số máy bay này sau khi Liên Xô sụp đổ.

Theo báo cáo "Military Balance 2023" của Viện Quốc tế về Nghiên cứu chiến lược (IISS), Moscow chỉ có tổng cộng 10 máy bay AWACS hoạt động được, gồm 3 chiếc A-50 đời cũ và 7 chiếc A-50U đã nâng cấp. Hàng chục chiếc khác đã dừng bay từ lâu. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Moscow có 7 chiếc A-50U và 14 chiếc A-50 đang hoạt động, ngoài ra còn có 8 chiếc khác đang được bảo trì.

Với hệ thống điện tử hàng không kỹ thuật số thế hệ mới, A-50U bám sát 300 mục tiêu cả trên không, trên biển và dưới mặt đất cùng lúc. Cự ly phát hiện mục tiêu là tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ 800km, máy bay ném bom từ 650km, tàu chiến hay tiêm kích từ 300km trở lên và tên lửa hành trình là 215km.

Không loại trừ khả năng sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, Nga đẩy nhanh tiến độ nâng cấp số A-50 cũ và khôi phục những chiếc đã dừng bay để tăng số lượng AWACS lên gấp vài lần.

Theo chuyên gia Knutov, "nhờ hệ thống radar cực mạnh và bay ở độ cao lớn, A-50 và A-50U bao quát mọi tình huống trên không trong một vòng tròn có bán kính hàng trăm km phát hiện máy bay đối phương cất cánh từ các sân bay dã chiến bí mật hoặc các sân bay đã đóng cửa của Ukraine, thậm chí từ các đoạn đường cao tốc".

Sau khi phát hiện và xác định các mục tiêu trên không, AWACS truyền tham số đến các sở chỉ huy và dẫn đường cho máy bay tiêm kích quân nhà lựa chọn góc tiếp cận có lợi để tấn công vào các đối tượng được tìm thấy. Đồng thời, tham số mục tiêu cũng được chuyển cho các tổ hợp tên lửa phòng không để đánh chặn.

Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Không quân Nga đã nghỉ hưu Vladimir Popov, máy bay AWACS Nga sẽ biết tên lửa phòng không của Ukraine, như Patriot hay S-300 chẳng hạn, được phóng từ đâu và chỉ trong vài giây, nó sẽ có thể cảnh báo cho máy bay chiến đấu để đối phó.

Có thể nói, A-50 và A-50U AWACS thực sự là "mắt thần" giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu của các tổ hợp tên lửa phòng không, máy bay tiêm kích Nga.

Thứ hai, các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-350 và S-400 Nga "ghi bàn". Được cảnh báo sớm và chỉ thị mục tiêu từ AWACS, việc còn lại khá dễ dàng với những hệ thống phòng không nổi danh trước những máy bay thế hệ 3 và 4 như Su-24/25/27 và MiG-29 không có khả năng tàng hình của Ukraine.

Chuyên gia Knutov cho rằng, sau khi khai hỏa, tên lửa phòng không sẽ bay theo hệ thống dẫn đường quán tính tới khu vực mục tiêu. Đến cự ly thích hợp, đầu dò của tên lửa sẽ kích hoạt, bắt đầu tìm kiếm mục tiêu, xác định chính xác và cuối cùng hạ gục mục tiêu.

Thứ ba, Su-35 và MiG-31 tham chiến. Tương tự như tên lửa phòng không, nhờ thời gian hoạt động trên không rất dài, AWACS tuần tra liên tục, phát hiện, chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho tiêm kích tấn công máy bay đối phương.

Vì vậy, các loại tiêm kích Nga sẽ không nhất thiết phải tuần tra trên không 24/24h thường xuyên mà chỉ cần trực sẵn sàng chiến đấu tại sân bay, khi có lệnh là cất cánh.

Nga bất ngờ hạ hàng loạt máy bay Ukraine: Khống chế bầu trời - 5
Nếu lực lượng phòng không của chúng tôi tiếp tục hoạt động hiệu quả như vậy, toàn bộ phi đội F-16 sẽ bị bắn hạ trong khoảng 20 ngày.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu

Cuối cùng, có thông tin cho rằng tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5 đã tham chiến. Tuy nhiên, số lượng đã đưa vào biên chế quá ít nên nếu có thì số lần xuất kích của Su-57 cũng không nhiều.

Kết quả tiêu diệt 24 máy bay Ukraine trong 5 ngày cho thấy Nga đã thay đổi chiến thuật và sử dụng hiệu quả các hệ thống tên lửa phòng không, trong đó việc sử dụng máy bay A-50 cho phép giải quyết vấn đề không chỉ phát hiện máy bay đối phương mà còn tiêu diệt chúng với hiệu quả cao.

"Đây là điều sẽ buộc các nước NATO phải cân nhắc xem liệu Ukraine có thực sự cần máy bay F-16 (do Mỹ sản xuất) hay không, bởi loại máy bay này có thể phải đối mặt với số phận tương tự như máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 do Liên Xô sản xuất mà Không quân Ukraine đang vận hành", ông Knutov cho hay.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tự tin tuyên bố: "Nếu lực lượng phòng không của chúng tôi tiếp tục hoạt động hiệu quả như vậy, toàn bộ phi đội F-16 Ukraine sẽ bị bắn hạ trong khoảng 20 ngày".

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine