Người phụ nữ hốt hoảng khi biết bị tiêm chất cấm vào ngực
(Dân trí) - Người phụ nữ 50 tuổi vào viện khám với biểu hiện da vùng ngực đổi màu, nổi u cục lổn nhổn. Bà được khuyên mổ càng sớm càng tốt, để tránh biến chứng do tiêm silicon lỏng để nâng ngực.
Năm 2010, bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) tiêm silicon nâng ngực tại một spa. Khi đó, bà chỉ biết nhân viên spa tiêm một chất lỏng màu trắng giá vài triệu đồng vào hai bên ngực, không biết chính xác tiêm chất gì. Sau đó, bà cũng thấy ngực đẹp lên.
Tuy nhiên, gần đây, bà thấy da vùng này bỗng dưng chuyển màu, sờ còn thấy u cục lổn nhổn.

Để loại bỏ silicon đã vón cục, bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, da (Ảnh: N.P).
Đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người phụ nữ tới từ tỉnh Phú Thọ mới bàng hoàng khi biết mình được tiêm silicon lỏng vào ngực, một chất cấm sử dụng từ lâu.
"Bác sĩ khuyên tôi nên mổ càng nhanh càng tốt, để lâu không tốt cho sức khỏe. Lúc đầu tôi còn tưởng bị ung thư vú, rất may không phải", bà Hoa chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Hồng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, bệnh nhân vào viện với biểu hiện khó chịu, ấn đau tức ở vùng ngực, da hai bên vú đổi màu nhiều, u cục nổi lổn nhổn khắp ngực. Nguyên nhân là do tiêm silicon lỏng vào hai bên ngực.
Năm 1991 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế nước ta cũng đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể.
Tuy nhiên, thực tế, các bác sĩ vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp gặp biến chứng do tiêm silicon tại cơ sở chui, cơ sở không phép. Riêng trong tuần vừa rồi, khoa tiếp nhận đến 2 trường hợp gặp biến chứng sau tiêm silicon lỏng.

Bác sĩ Hoàng Hồng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: N.P).
Hậu quả để lại khi tiêm silicon vào cơ thể rất nặng nề. Đặc biệt, trường hợp trên được tiêm rất nhiều khắp các vị trí, từ lớp nông sát da đến tiêm sâu vào lớp cân cơ. Vì thế, theo BS Hồng, đây là một ca xử lý khá nặng.
"Chúng tôi đã tiến hành cắt bỏ toàn bộ tuyến vú, da, giữ được đầu núm vú, tuy nhiên cũng chỉ mới cắt bỏ được 90% lượng silicon, thực chất vẫn còn nhiều hạt silicon nhỏ.
Ngay sau khi cắt bỏ, do lượng silicon quá nhiều, xâm lấn nhiều nên chúng tôi không thể đặt túi ngực ngay mà phải đợi vết mổ ổn định. Ít nhất 6 tháng sau, chúng tôi mới có thể xem xét tạo hình lại ngực bằng cách cấy mỡ, đặt túi", BS Hồng nói.
Theo bác sĩ, nếu không lấy nang silicon ra khỏi cơ thể thì bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nặng nề hơn như nhiễm trùng, hoại tử. Thậm chí y văn thế giới từng ghi nhận trường hợp bị ung thư vú.
Hiểm họa khôn lường vì tiêm silicon

Chị em cần chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín khi quyết định làm đẹp (Ảnh: N.P).
Khi silicon được tiêm vào cơ thể, chúng có thể dẫn đến biến chứng cấp tính như viêm đỏ tại chỗ tiêm, gây đau nhức, gây thuyên tắc mạch (khi bơm vào mạch máu), gây lồi lõm xấu (khi tiêm sai vị trí hoặc chỉ định sai vùng tiêm), dị ứng (hiếm gặp).
Ngoài ra, nạn nhân có thể gặp các biến chứng xa như biến dạng vùng tiêm, gây xâm lấn mô, viêm loét hoại tử, chảy dịch mủ kéo dài.
Silicon khi vào cơ thể thì phản ứng bảo vệ cơ thể sẽ liên kết chia nhỏ thực bào phân hủy, hấp thu và đào thải, tuy nhiên silicon không thể phân hủy bởi men của cơ thể.
Qua quá trình miễn dịch đào thải của cơ thể, các mô xơ silicon di chuyển chèn ép thần kinh, mạch máu gây co thắt, biến dạng vùng mặt hoặc hoại tử chảy dịch, mủ. Khi đó cần xử lý can thiệp phẫu thuật loại bỏ.
Việc phẫu thuật cần loại bỏ hoàn toàn nên các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ những mô xơ có silicon. Vì thế, có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ vùng cơ bị silicon thâm nhiễm, dẫn đến vùng đó chỉ còn lớp da và một ít mô đệm.
Vì thế, khi có nhu cầu thẩm mỹ nên lựa chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để làm.