1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác yêu cầu đàm phán công khai của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng không có cuộc đàm phán nào có thể được tổ chức công khai, nên việc Ukraine kêu gọi điều này cho thấy Kiev không sẵn sàng đạt được thỏa thuận với Moscow.

Nga bác yêu cầu đàm phán công khai của Ukraine - 1

Pháo phản lực Nga tấn công mục tiêu ở Ukraine (Ảnh: Sputnik).

"Các cuộc đàm phán công khai ngay từ đầu đã rất khó tưởng tượng. Không có cuộc đàm phán nào có thể được tổ chức công khai, chứ đừng nói đến các cuộc đàm phán trong lĩnh vực như vậy. Có một điều rõ ràng: Ukraine không muốn tham gia vào các cuộc đàm phán, chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra và các mục tiêu của chiến dịch phải đạt được", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 17/11.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh lập trường của Kiev trong các cuộc đàm phán với Moscow liên tục thay đổi.

"Họ ban đầu yêu cầu đàm phán, sau đó họ lại từ chối, rồi ban hành luật cấm mọi hình thức đàm phán, rồi lại nói muốn đàm phán nhưng phải công khai", ông Peskov nói.

Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, một số nước phương Tây đã gửi tín hiệu rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đàm phán trực tiếp với Ukraine.

Theo ông Zelensky, thay vì các cuộc đàm phán được tổ chức bí mật như thường lệ, ông đề xuất các cuộc đàm phán công khai với Điện Kremlin vì "Nga đang tiến hành một cuộc chiến công khai".

Người phát ngôn Điện Kremlin cũng tuyên bố "chiến dịch quân sự tại Ukraine đang tiếp tục, không phụ thuộc vào điều kiện khí hậu hay thời tiết", đồng thời khẳng định "các mục tiêu của chiến dịch phải đạt được".

Khi bình luận về các cuộc tập kích quy mô lớn do lực lượng Nga tiến hành nhằm vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự cũng như các cơ sở năng lượng của Ukraine hôm 15/11, ông Peskov nhấn mạnh rằng "các cơ sở hạ tầng bị tấn công có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến năng lực quân sự của Ukraine và chính quyền Ukraine".

"Việc phía Ukraine không sẵn sàng giải quyết vấn đề và tham gia đàm phán, hơn nữa, việc Ukraine từ chối lập trường đã được thống nhất về văn bản (của các thỏa thuận Istanbul)… là nguyên nhân sâu xa của các hành động này", ông Peskov nhấn mạnh.

Nga và Ukraine từng đạt được thỏa thuận được cho là có thể chấm dứt xung đột trong cuộc hòa đàm do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi cuối tháng 3. Tuy nhiên, Moscow cáo buộc Kiev phớt lờ thỏa thuận, khiến quá trình đàm phán bị đình trệ nhiều tháng qua.

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, vào ngày 15/11, lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn bằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao từ trên không và trên biển nhằm vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự của Ukraine cũng như các cơ sở năng lượng liên quan. Ông Konashenkov cho biết quân đội Nga đã đạt được mục tiêu của cuộc tấn công.

Theo số liệu của Không quân Ukraine, hôm 15/11, Nga đã phóng tổng cộng khoảng 100 tên lửa và sử dụng ít nhất 15 máy bay không người lái tự sát cho cuộc tập kích lớn chưa từng có vào Ukraine. Đợt tập kích phá hủy hàng loạt hạ tầng năng lượng, khiến khoảng 10 triệu người dân Ukraine mất điện.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Indonesia hôm 15/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra đề xuất gồm 10 điểm để chấm dứt xung đột, trong đó có yêu cầu Nga phải rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cho rằng đề xuất của Kiev là "phi thực tế và không đầy đủ". 

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine