1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác tin có thể chấp nhận để Ukraine gia nhập NATO

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga bác bỏ thông tin của báo Mỹ rằng Nga dường như đang gửi thông điệp thăm dò tới Washington về việc muốn đàm phán và có thể chấp nhận từ bỏ điều kiện chủ chốt với Ukraine.

Nga bác tin có thể chấp nhận để Ukraine gia nhập NATO - 1

Điện Kremlin ở thủ đô Moscow (Ảnh: Tass).

Điện Kremlin ngày 26/1 bác bỏ thông tin của Bloomberg cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang "đưa ra những thông điệp thăm dò" tới Mỹ về khả năng đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine và có thể xem xét dỡ bỏ các yêu cầu chính về tình trạng an ninh của Kiev.

Trước đó, Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin từ điện Kremlin nói rằng, ông Putin dường như đang xem xét liệu Washington có sẵn sàng tham gia đàm phán hay không và đã liên hệ với Mỹ thông qua các kênh gián tiếp.

Ngoài ra, báo Mỹ nói rằng Nga phát đi tín hiệu cho biết họ có thể "sẵn sàng xem xét việc từ bỏ yêu cầu Ukraine duy trì tình trạng trung lập và thậm chí cuối cùng sẽ không còn phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO nếu Kiev đồng ý công nhận Crimea và 4 vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhia, Kherson là lãnh thổ Nga".

Khi được hỏi về thông tin này, phát ngôn viên điện Kremlin tuyên bố: "Không, đây là một bài báo sai. Nó hoàn toàn không phù hợp với thực tế".

Cuối năm 2021, Nga công bố loạt đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh thuộc NATO thẳng thừng từ chối những đề xuất an ninh mà Nga cho là "cốt lõi", chỉ đồng ý thảo luận một số vấn đề như kiểm soát tên lửa tại châu Âu.

Theo chính sách mở cửa của NATO, bất cứ quốc gia châu Âu nào sẵn sàng thực hiện những cam kết và nghĩa vụ thành viên đều được hoan nghênh gia nhập liên minh.

Moscow nói rằng, đây là một trong những lý do chính khiến Nga không còn lựa chọn nào khác ngoài mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, quốc gia láng giềng của Nga từ lâu theo đuổi kế hoạch gia nhập NATO.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần hai năm nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đàm phán bị đình trệ kể từ tháng 3 năm 2022. Các bên đều đưa ra những điều kiện nhằm chấm dứt xung đột, song đều bị coi là không thể chấp nhận được đối với bên còn lại.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine