1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga: 2/3 số siêu tăng Abrams Mỹ cấp cho Ukraine đã bị phá hủy

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao cấp cao Nga tuyên bố phần lớn số xe tăng Abrams mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã bị phá hủy.

Nga: 2/3 số siêu tăng Abrams Mỹ cấp cho Ukraine đã bị phá hủy - 1

Siêu tăng Abrams trên tiền tuyến (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Phó đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Maxim Buyakevich hôm 19/9 nói rằng 2/3 tổng số xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy.

"Các thiết bị quân sự được khen ngợi cường điệu của NATO đã bị vũ khí Nga phá hủy. Lấy ví dụ như xe tăng Abrams của Mỹ, 2/3 số xe được bàn giao đã bị phá hủy, bất chấp thực tế là lực lượng vũ trang Ukraine hiếm khi sử dụng chúng trong chiến đấu", ông Buyakevich nói.

Cả Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng các nước phương Tây đã mở cuộc thảo luận về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sau khi không đạt được mục tiêu bằng các vũ khí khác.

Các nước phương Tây đã tăng cường viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022.

Nga tuyên bố sẽ thực hiện tới cùng các mục tiêu đã đặt ra trong chiến dịch quân sự bất chấp NATO cấp vũ khí cho Ukraine. Nga cảnh báo các phương tiện, khí tài phương Tây chuyển cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho các cuộc tấn công của Nga.

Mùa thu năm ngoái, Mỹ đã gửi cho Ukraine 31 chiếc Abrams cũ và chúng được đưa vào biên chế Lữ đoàn cơ giới 47 dày dặn kinh nghiệm chiến đấu của nước này. Tuy nhiên, Abrams vẫn rất dễ bị tổn thương trước nhiều mối đe dọa từ Nga, đặc biệt là máy bay không người lái cỡ nhỏ gắn thuốc nổ.

Xe tăng Abrams được đánh giá cao, nhưng phiên bản viện trợ cho Ukraine không được trang bị những loại giáp hiện đại như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ dễ bị phá hủy.

Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, từng nói về việc xe tăng Abrams dễ bị tổn thương thế nào trong xung đột Nga - Ukraine.

Ông Gressel cho biết, sự phát triển liên tục của các loại UAV trong cuộc xung đột đã và đang làm thay đổi đáng kể mối đe dọa mà xe tăng Abrams phải đối mặt.

Chuyên gia này cho rằng, khi các UAV ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.

Mặc dù mạnh mẽ nhưng xe tăng không phải là không thể xuyên thủng và chúng dễ bị tổn thương nhất ở nơi có lớp giáp mỏng nhất: Nóc xe, khối động cơ phía sau và khoảng trống giữa thân và tháp pháo. Trong nhiều năm, xe tăng là mục tiêu hàng đầu của mìn, thiết bị nổ tự chế, súng phóng lựu và tên lửa dẫn đường chống tăng.

Ngoài ra, số lượng Abrams quá ít được cho là thách thức với Ukraine. Kiev nhiều lần nói rằng với số lượng xe tăng hạn chế như vậy, Abrams khó có thể tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Nếu thông tin Nga cung cấp là chính xác, việc Ukraine chỉ còn lại 10 chiếc M1 dường như sẽ không thể tạo ra bất cứ bước ngoặt nào với vũ khí này. 

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine