Cách Ukraine đối phó tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng
(Dân trí) - Đối mặt tình trạng thiếu đạn pháo nghiêm trọng, quân đội Ukraine phải lập kế hoạch chia số lượng đạn pháo sử dụng mỗi ngày và song song với đó là tăng cường sản xuất.
Đạn pháo được cất giữ trong hầm nông, phủ một tấm bạt nhựa màu đen để đảm bảo an toàn. Nhưng chỉ còn 14 viên đạn, bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng khiến Ukraine phải tìm mọi cách để bảo tồn nguồn cung cấp cho đến khi các đồng minh phương Tây có thể sản xuất hoặc mua thêm.
Trung đội pháo binh, thuộc Lữ đoàn cơ giới 59 ở miền đông Ukraine, từng bắn hơn 20 hoặc 30 quả đạn mỗi ngày bằng khẩu lựu pháo từ thời Liên Xô. Bây giờ, họ chỉ thường bắn một hoặc hai, hoặc không bắn gì cả.
Đạn pháo đã trở thành một nguồn vũ khí quan trọng trong cuộc chiến pháo binh với Nga. Và thực tế là bên nào tiết kiệm được đạn pháo và trang bị vũ khí nhanh hơn có thể lật ngược tình thế trên chiến trường.
Trong hầm trú ẩn, một binh sĩ Ukraine với tay lấy một viên đạn khi viên chỉ huy đọc tọa độ cho phát súng đầu tiên trong ngày. "Bắn", người chỉ huy có tên Spider hô lớn.
Sau khi bắn, anh chờ đợi, nhìn chằm chằm vào điện thoại để tìm kiếm đạn pháo khác. Nhưng anh không nhận được thêm một quả nào, vì vậy viên chỉ huy yêu cầu binh sĩ không bắn nữa. Không rõ là do quả đạn đã bắn trúng mục tiêu hay vì anh không muốn tiêu tốn thêm một quả nữa.
Ngay cả trong tình trạng thiếu hụt, Ukraine vẫn phải sử dụng nhiều quả đạn mỗi ngày. Nga, vốn cũng có thể sắp cạn kiệt đạn pháo, đang bắn nhiều hơn, khoảng gấp 3 lần Ukraine.
Để có thể bắt kịp đối phương mà vẫn tiết kiệm đạn dược, quân đội Ukraine đã kén chọn hơn trong việc lựa chọn mục tiêu, thường ưu tiên trang bị cho các nhóm bộ binh nhỏ.
Và mỗi lần bắn quan trọng là độ chính xác vì nếu không sẽ bỏ phí viên đạn đó. Và trong các xưởng dưới lòng đất mọc lên khắp miền đông Ukraine, quân đội Ukraine đang sử dụng máy in 3D để tạo ra các loại đạn nhỏ, thậm chí tái sử dụng những viên đạn chưa phát nổ để tạo ra các loại đạn dược thay thế.
Đạn pháo cho các loại súng thời Liên Xô của Ukraine, chiếm phần lớn trong kho vũ khí của họ, từ lâu đã bị thiếu hụt. Điều đó đã buộc Kiev phải phụ thuộc vào đạn pháo do các đồng minh phương Tây cung cấp vì họ sử dụng đạn cỡ 155mm, loại đạn mà Ukraine hiện có nhiều hơn nhưng lại không có nhiều súng để bắn.
Với tốc độ đang khai hỏa của Ukraine, những kho dự trữ đó cũng có thể sớm cạn kiệt khi các nước phương Tây đấu tranh để tăng cường sản xuất. Vào tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cảnh báo, "tỷ lệ chi tiêu đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn nhiều lần so với mức sản xuất hiện tại của chúng tôi".
Tại vị trí pháo binh của viên chỉ huy Spider gần đó, tiếng sấm của khẩu lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp, với đạn pháo 155mm, cứ vài phút lại gầm lên trong khi anh và người của mình uống trà trong hầm cá nhân. "Đôi khi chúng tôi chỉ ngồi đây và nghe M777 bắn và nhìn phía Nga bắn trả", Spider nói.
"Chúng tôi không có nhiều đạn dược, và đó là lý do tại sao chúng tôi không bắn nhiều", anh nói thêm.
Nhiều quốc gia vẫn còn dự trữ đạn 152mm và 122mm tiêu chuẩn của Liên Xô, phần lớn là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nhưng nhiều nước trong số đó ngại bán cho Ukraine vì mối quan hệ với Nga.
Một số quốc gia châu Phi và Trung Đông, những nước đã nhận vũ khí và đạn dược của Nga trong những năm qua, cũng có kho dự trữ các loại đạn này. Một số quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây có khả năng sản xuất đạn pháo nhưng không ở mức quy mô và tốc độ mà Ukraine cần trên chiến trường.
Theo các nguồn tin, đôi khi một quốc gia thứ ba thân thiện với Ukraine sẽ mua đạn - thông qua nhà môi giới - và sau đó bí mật cung cấp cho Ukraine để tránh bất kỳ hậu quả nào. Nhưng đôi khi đã có đạn và khẩu pháo trên chiến trường nhưng các binh sĩ khó có thể đạt năng lực bắn giống nhau vì vậy ảnh hưởng đến độ chính xác.
Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, vấn đề chính cần quan tâm là tính bền vững. "Các quốc gia thuộc Hiệp ước Warszawa trước đây đã tháo dỡ dây chuyền sản xuất đạn dược cỡ nòng của Liên Xô kể từ khi trở thành thành viên của NATO. Bây giờ, chúng tôi rất cần loại đạn cỡ nòng của Liên Xô này, vì vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khôi phục dây chuyền sản xuất", Ngoại trưởng Kuleba nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak cho biết, Bulgaria cũng như Ba Lan và Slovakia đã đồng ý. Nhưng không rõ sẽ mất bao lâu để những quả đạn pháo cần thiết được sản xuất và đến chiến trường
Trong khi đó, việc săn lùng vỏ đạn pháo đôi khi rất nguy hiểm. Ở những khu vực mà lực lượng Nga rút đi, binh lính băng qua các cánh đồng và rừng có mìn để tìm kiếm đạn dược bị bỏ lại. Một nhóm như vậy đang vận chuyển bất kỳ quả đạn nào cho Lữ đoàn 59, gần đây đã trúng phải vật liệu chưa nổ.
14 quả đạn mà trung đội của Spider nhận được đến từ các kho dự trữ của Nga bị tịch thu ở vùng Kherson vào tháng 11/2022. Spider nói anh không biết khi nào mình sẽ nhận được nhiều hơn.
Chờ phương Tây hỗ trợ
Mỹ đang nỗ lực mở rộng tìm kiếm trên toàn thế giới để thu thập các kho dự trữ đạn pháo của Liên Xô, nhưng việc giao hàng có thể mất nhiều tháng.
Hôm 4/4, như một phần của gói hỗ trợ an ninh lớn hơn, Lầu Năm Góc cho biết sẽ cung cấp một số lượng đạn pháo không xác định, bao gồm cả đạn cỡ nòng 122mm mà họ không tự sản xuất. Một loại pháo chủ lực của Ukraine, D-30, sử dụng những viên đạn như vậy.
"Chúng tôi cực kỳ minh bạch với người Ukraine, vì vậy họ thực sự hiểu rất rõ về loại đạn mà chúng tôi dự định cung cấp, thời điểm chúng tôi dự định cung cấp", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhấn mạnh. "Vì vậy, Ukraine có thể lập kế hoạch hoạt động và hiểu nơi họ cần chuyển thiết bị".
Quân đội Ukraine có thể đang giữ lại một số đạn pháo cho một cuộc phản công mùa xuân đã được lên kế hoạch. Những binh sĩ tại hiện trường cho biết những gì họ có bây giờ chỉ đủ để đẩy lùi các cuộc tấn công hàng ngày chứ không thể phản công.
Chuyên gia phân tích quân sự Rob Lee tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho rằng, Mỹ và các nước ủng hộ phương Tây khác đã tăng cường cung cấp đạn dược trước cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine, nhưng hàng có thể đến chậm.
Các quan chức Mỹ cũng lo ngại nguy cơ Trung Quốc xem xét gửi đạn pháo 122mm và 152mm cho Nga. Theo chuyên gia Lee, nếu điều đó xảy ra, nó "có thể thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến".
"Đây cuối cùng là một cuộc chiến pháo binh, vì vậy bên nào có nhiều đạn pháo hơn hoặc có thể sản xuất nhiều hơn và duy trì lâu dài sẽ có lợi thế đáng kể", ông Lee nói. "Việc có sẵn kho đạn pháo lớn là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến này".
Nga vẫn bắn đạn pháo nhiều hơn Ukraine mỗi ngày nhưng trong các bài đăng trên mạng xã hội, các blogger và binh sĩ Nga cũng đã phàn nàn về việc thiếu đạn dược.
Chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine Oleksandr Syrsky nói rằng các lực lượng Nga tiếp tục bắn dữ dội vào các vị trí ưu tiên trên mặt trận, nhưng "ở những nơi không tấn công, họ có những hạn chế trong việc sử dụng pháo binh".
"Do đó, họ sử dụng hỏa lực xe tăng", ông Syrsky cho biết hồi tháng 2. "Xe tăng thực sự được sử dụng để thay thế cho các hệ thống pháo binh".
Phía Ukraine cũng đã khám phá các chiến thuật bảo tồn sáng tạo. Trong một số trường hợp, các đội mang những quả đạn pháo do Nga bắn mà chưa nổ đến các phòng thí nghiệm bí mật ở miền đông Ukraine. Tại đây, các thành phần được cẩn thận loại bỏ để tạo ra một loại vũ khí mới.
Các tình nguyện viên và binh sĩ thậm chí còn sử dụng máy in 3D để tạo ra các loại đạn nhỏ có thể được thả từ máy bay không người lái. Công nghệ in 3D không chỉ giúp giảm giá thành sản phẩm so với phương thức sản xuất truyền thống, mà còn giúp nhanh chóng và dễ dàng thay đổi thiết kế, rút ngắn thời gian chế tạo của sản phẩm. Tuy nhiên, nó rất nguy hiểm và cũng đặt ra những thách thức mới trong vấn đề bảo mật.
Mặc dù các loại đạn tự chế có thể thay thế pháo để tấn công các mục tiêu bất động, nhưng chúng không thể kìm hãm đối phương trong một cuộc tấn công, hoặc đẩy lùi một cuộc tấn công.
Tại trung tâm hoạt động dưới lòng đất của Lữ đoàn 59 ở khu vực Donetsk, cảnh quay bằng máy bay không người lái từ khoảng cách 45km được phát trên 4 màn hình gắn trên đó. Đó là một khung cảnh cao ngất trời của thị trấn Pervomaiske khi đang bị lực lượng Nga tấn công.
"Nơi đó chỉ có bộ binh có thể hoạt động mà không có pháo binh", một chỉ huy pháo binh trong phòng, có biệt hiệu là Shaman, cho biết.
Theo Shaman, "để tiếp tục tấn công, kiềm chế đối phương, chúng ta cần thêm đạn pháo".