Mỹ tăng tốc chế tạo đạn pháo cung cấp cho Ukraine
(Dân trí) - Với hàng trăm km tiền tuyến đang giao tranh khốc liệt ở Ukraine, Mỹ sẽ tăng tốc độ sản xuất đạn pháo 155mm cung cấp cho phía Kiev nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công của các lực lượng Nga.
Một lô đạn pháo dành cho chiến trường Ukraine đang bắt đầu được chuyển xuống dây chuyền sản xuất ngoằn ngòeo ở đông bắc Pennsylvania, Mỹ.
Tại đây, bên trong dãy các tòa nhà gạch đỏ, các đội công nhân làm việc cật lực suốt ngày đêm để đảm bảo các máy mài, máy tiện và lò nung công nghiệp không ngừng hoạt động.
"Mọi thứ đều rất quy mô", ông Richard Hansen, người giám sát các hoạt động sản xuất tại Nhà máy Đạn pháo Scranton, cho biết. Theo ông, mọi việc rất phức tạp, có nhiều bộ phận chuyển động với lượng nhiệt khổng lồ. "Chúng tôi phải đảm bảo các hoạt động liên tục. Và điều quan trọng hơn nữa để tăng tốc làm việc là cần chế tạo đạn pháo cấp cho Ukraine", ông nói thêm.
Đạn pháo 155mm, được bắn từ các khẩu pháo cách mục tiêu vài km, là vũ khí quan trọng trong chiến lược phòng thủ kéo dài gần 1 năm qua của quân đội Ukraine.
Hàng nghìn đạn pháo được bắn ra mỗi ngày trong cuộc xung đột, tỷ lệ tiêu hao mà các quan chức Mỹ và Ukraine so sánh với Thế chiến II, đã làm cạn kiệt các kho dự trữ hiện có của quân đội Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm.
Với hàng trăm km tiền tuyến giao tranh, quân đội Ukraine cần thêm nhiều đạn pháo nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga.
Với tình thế trước mắt là cuộc chiến không có hồi kết, quân đội Mỹ có kế hoạch tăng tốc độ sản xuất từ khoảng 14.000 quả lựu pháo 155mm mỗi tháng hiện nay lên 20.000 quả vào mùa xuân này và lên tới 90.000 quả vào năm 2025. Chỉ riêng trong năm nay, Washington phải chi 1,9 tỷ USD cho kế hoạch này.
Nhà máy Scranton, được ký hợp đồng sản xuất 11.040 quả đạn pháo mỗi tháng, nằm ở trung tâm của quá trình chuyển đổi công nghiệp theo kế hoạch của Lầu Năm Góc.
Khoảng 300 nhân viên làm việc trong khu phức hợp rộng khoảng 60.000m2, nơi hệ thống máy móc khổng lồ hoạt động liên tục, từ cắt, nấu chảy, định hình lại và tinh chỉnh các thanh thép nặng thành những viên đạn bóng bẩy, cao khoảng 60cm.
Nhà máy đạn dược hoạt động 24 giờ/ngày
Nhà máy này thuộc sở hữu quân đội Mỹ nhưng do đơn vị vũ khí của tập đoàn General Dynamics vận hành và hiện đang hoạt động 24 giờ/ngày và 5 ngày/tuần.
Mỗi ngày, các xe tải vận chuyển những thanh thép dài 6m, nặng 900kg đến nhà máy. Các thanh sắt được để bên ngoài và sau đó được một nam châm khổng lồ kéo vào một tòa nhà bằng gạch đỏ được gọi là "cửa hàng rèn". Tại đây, máy cưa robot cắt các thanh sắt này thành những khối dài nhỏ hơn gọi là "phôi".
Bước vào bên trong căn phòng sẽ cảm nhận ngay hơi ấm tỏa ra từ 3 chiếc lò nung khổng lồ lên tới 2.000 độ C. Mỗi phôi thép được đưa vào lò nung trong 1 giờ và sau đó được đưa đến 3 trạm riêng lẻ.
Trong khoảng thời gian 90 giây, phôi thép được đục lỗ, kéo dài và ép thành những đoạn dài khoảng 90cm. Điều này được thực hiện hàng trăm lần mỗi ngày. "Tốc độ là chìa khóa của vấn đề", ông Hansen nói.
Ở giai đoạn cuối, robot chuyển phôi thép đến một cánh cửa tròn rồi được đẩy gọn gàng vào một hệ thống băng tải ngầm, được gọi là "tàu điện ngầm". Mỗi phôi, vẫn còn nóng như thiêu đốt, rơi xuống một đường lăn trọng lực. "Đừng chạm vào nó", ông Hansen nói và khẳng định "nó sẽ làm tan chảy mọi thứ".
Các phôi sau đó được chuyển đến một căn phòng trống lớn dọc theo đường ray để làm nguội trong 4 giờ. Sau đó, mỗi phôi sẽ được kiểm tra để đảm bảo hình dạng và đáp ứng các thông số kỹ thuật. Sau đó, chúng được chuyển đến nhà kho.
"Chúng tôi làm việc với các thông số kỹ thuật chính xác đến từng milimet. Về cơ bản, chúng tôi đang biến một cái ống thành một viên đạn pháo", ông Hansen nói.
Mỗi quả đạn sau đó được treo trên một cái móc, tự động xoay trong quá trình được sơn màu xanh lá cây.
Toàn bộ quá trình này mất khoảng 3 ngày. Nhưng việc vận chuyển vỏ đạn đến một nhà máy khác ở Iowa có thể mất vài tháng. Đây là nơi chúng được bơm thuốc nổ, sẵn sàng hoạt động.
Lỗ hổng trong cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ
Theo Mark Cancian, cựu đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cuộc xung đột Ukraine đã bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng trong nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
"Việc tăng sản lượng sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và vẫn không đủ bù đắp cho chi phí cho pháo binh hiện tại. Mỹ cần khuyến khích các quốc gia NATO và các đồng minh thân thiết cung cấp đạn pháo cho Ukraine từ kho dự trữ của họ", ông nói.
Lầu Năm Góc đã dành 25 năm qua để đầu tư vào vũ khí công nghệ cao, đắt tiền.
Chỉ riêng kể từ tháng 8/2022, nhà máy Scranton và cơ sở 2 ở Wilkes-Barre gần đó đã nhận được hơn 420 triệu USD tài trợ để xây thêm một tòa nhà mới, mua thiết bị bổ sung và hệ thống tự động hóa cải tiến với hy vọng sẽ tăng tỷ lệ sản xuất.
Dòng tiền đổ vào là một bước ngoặt đối với nhà máy Scranton, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1908 với vai trò là một cửa hàng sửa chữa đầu máy hơi nước. Quân đội Mỹ mua lại nhà máy này vào năm 1951 khi bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên và chuyển đổi cơ sở để sản xuất đạn pháo.
Vào thời điểm đó, Mỹ có 86 nhà máy sản xuất đạn dược quân sự như một phần của kế hoạch huy động công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đạn dược trong thời chiến. Trong nhiều thập kỷ, số lượng cơ sở giảm dần.
Ngày nay, Lầu Năm Góc chỉ có 5 cái gọi là nhà máy "do chính phủ sở hữu, do nhà thầu điều hành" cung cấp cho quân đội hầu hết đạn dược và chất nổ thông thường.
Tập đoàn General Dynamics đã và đang tăng cường nỗ lực tuyển dụng thêm nhân lực để đón đầu các đơn đặt hàng pháo binh bổ sung cho nhà máy Scranton.
Ông Douglas Bush, trợ lý bộ trưởng Lục quân Mỹ về mua sắm, hậu cần và công nghệ, cho biết lục quân có thể thiết lập một dây chuyền lắp ráp 155mm mới ở Texas và đã đầu tư 68 triệu USD vào Canada "để họ đứng ra trang bị lại cơ sở" nhằm hỗ trợ sản xuất đạn pháo.
"Chúng tôi đang tìm nguồn cung ứng trên toàn thế giới. Đây là điều rất quan trọng vì việc tăng cường sản xuất cần có thời gian và chúng tôi đang xem xét nhiều nguồn khác nhau, bao gồm sản xuất nước ngoài, để đảm bảo Ukraine có những gì họ cần", ông Bush nói với các phóng viên hôm 25/1.