Mỹ chật vật sản xuất đạn pháo cung cấp cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ đã gửi cho Ukraine hàng triệu quả đạn cho cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga, nhưng việc bổ sung kho vũ khí và xây dựng dây chuyền sản xuất mới vẫn là vấn đề lớn đối với Washington.
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chạy nước rút trong chiến lược cung cấp vũ khí cho Ukraine đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại cho Kiev trước các lực lượng Nga.
Mỹ đã nỗ lực và cam kết gia tăng sản xuất vũ khí đầy hứa hẹn, bao gồm cả đạn pháo tiêu chuẩn của NATO, sản lượng dự kiến sẽ sớm đạt gấp đôi so với mức trước chiến tranh là 14.000 quả/tháng.
Cam kết và nỗ lực của Washington trong việc chấn chỉnh một hệ thống mua sắm vũ khí quân sự cứng nhắc càng được củng cố mạnh mẽ hơn nữa khi Kiev mở chiến dịch phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ từ Nga nhưng không hiệu quả, các quan chức Mỹ thừa nhận.
Theo họ, chiến lược quân sự của Kiev hiện phụ thuộc vào khả năng của phương Tây trong việc đáp ứng nhu cầu vũ khí quân sự lớn của họ, nhất là đạn pháo.
Nhưng các chuyên gia trong ngành cảnh báo về những thách thức lớn trong việc duy trì sản lượng vũ khí và thiết bị tân tiến khác, vì nó không chỉ cần thiết để hỗ trợ Ukraine mà còn để đảm bảo an ninh quốc gia cho chính Mỹ trước nguy cơ xung đột tiềm ẩn với Nga hoặc Trung Quốc.
Vì vậy, Mỹ đang nỗ lực khắc phục tình trạng khan hiếm các đầu vào quan trọng bao gồm thuốc nổ TNT và duy trì năng lực mở rộng hoạt động trong bối cảnh ngân sách biến động và nguy cơ tình hình quân sự bất ổn trong tương lai.
Chuyên gia Cynthia Cook tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: "Cho dù bạn nghĩ mọi việc đang diễn ra tốt đẹp hay tồi tệ, bạn cũng cần nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí một cách nhanh chóng".
Cuộc chiến tại Ukraine đã đưa đến sự bùng nổ cho các công ty quốc phòng Mỹ, vốn đang chạy đua để mở rộng sản xuất và công suất nhà máy. Nó cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi trong nội bộ Lầu Năm Góc về việc liệu vũ khí trang thiết bị cần thiết có được cung cấp kịp thời.
Gần 20 tháng sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, các thỏa thuận sản xuất chỉ đang dần được củng cố. Trong số 44,5 tỷ USD mà chính phủ Mỹ đã phân bổ để sản xuất vũ khí dành cho Ukraine hoặc bổ sung các kho dự trữ Lầu Năm Góc được tài trợ, Bộ Quốc phòng cho đến nay đã hoàn tất các hợp đồng sản xuất vũ khí trị giá khoảng 18,2 tỷ USD, tương đương 40,8% trong tổng số đó.
Đối với ông Cook và các chuyên gia khác trong ngành, tỷ lệ đó nhìn bề ngoài có vẻ khiêm tốn nhưng thực ra lại là thành tựu đối với hệ thống mua bán quốc phòng thường chậm chạp và cồng kềnh của quân đội Mỹ. Việc ký kết một hợp đồng lớn thường mất tới 16 tháng, chứ chưa nói đến việc sản xuất một vũ khí quân sự phức tạp để sử dụng trong trận chiến.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, giá trị cuối cùng của các hợp đồng liên quan đến Ukraine được ký kết đến ngày 18/8 cao hơn đáng kể so với con số 18,2 tỷ USD, phần lớn là do không tính đến các hợp đồng mang lại cho các công ty khoảng một nửa giá trị dự kiến trả trước, cùng với các chi phí bổ sung đã được hoàn tất sau đó.
Các chuyên gia cho rằng, Mỹ một khi đầu tư vào việc mở rộng sản xuất đạn dược, máy bay không người lái (UAV), tên lửa phòng không và các loại vũ khí khác mà Ukraine cần, cũng phải đảm bảo việc có thể duy trì năng lực mở rộng khi các nhu cầu tăng lên.
Sau các cuộc chiến chống kéo dài và mệt mỏi ở Afghanistan và Iraq, Mỹ đã tập trung ưu tiên đổ tiền để nâng cao khả năng giành chiến thắng hoặc ngăn chặn các cuộc xung đột trong tương lai vốn có thể đòi hỏi nhiều hệ thống vũ khí rất khác, đặc biệt là chống lại mối lo lớn từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng đạn dược trên toàn NATO, làm nổi bật những điểm yếu quan trọng trong cuộc chiến hiện tại.
Các quan chức quốc phòng và công nghiệp đã nói về cuộc chạy đua đẩy nhanh sản xuất vũ khí để đưa ra những đánh giá thẳng thắn về thực trạng này.
Mỹ đã tập trung chủ yếu vào việc mở rộng sản lượng đạn pháo 155mm, loại đạn vốn là trụ cột trong kho vũ khí thông thường của phương Tây trong nhiều thập kỷ và hiện là vũ khí rất quan trọng đối với Ukraine cho cuộc phản công đang diễn ra.
Bất chấp việc các lực lượng Ukraine được Mỹ huấn luyện về diễn tập vũ khí kết hợp hiện đại trong mùa đông, chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky phần lớn đã từ bỏ các chiến thuật này, thay vào đó áp dụng cách tiếp cận tiêu hao, sử dụng nhiều pháo binh khi tìm cách chọc thủng các bãi mìn của Nga và các tuyến chiến hào được bảo vệ mạnh mẽ.
Các quan chức Mỹ giờ đây nói rằng, việc Ukraine thay đổi chiến thuật kéo theo đòi hỏi phải duy trì nguồn cung cấp đạn pháo dồi dào cho nước này. Trong khi lực lượng Ukraine đã tạo ra lợi thế về đạn dược ở mặt trận phía nam bằng cách sử dụng tên lửa tầm xa do Pháp và Anh cung cấp để tấn công các kho đạn dược của Nga phía sau chiến tuyến, Kiev nói rằng, những đòn tấn công đó sẽ chỉ có kết quả nếu cũng có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga.
Kể từ tháng 2/2022, Lầu Năm Góc đã ký kết các hợp đồng sản xuất đạn 155mm trị giá 2,26 tỷ USD, giúp tăng sản lượng từ 14.000 quả/tháng trước chiến tranh lên khoảng 24.000 quả/tháng như hiện nay. Sản lượng dự kiến sẽ sớm đạt 28.000 quả/tháng và nhắm mục tiêu sản xuất 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào mùa thu năm 2025.
Các quan chức Mỹ từ chối cho biết phần nào trong số đó sẽ được chuyển đến Ukraine.
Các quan chức Mỹ hy vọng bom chùm mà họ cung cấp cho Ukraine có thể giúp các lực lượng của Kiev duy trì động lực cho đến khi Washington chế tạo và cung cấp được nhiều đạn pháo thông thường hơn. Họ cho biết trong thời gian tới, hỗn hợp đạn pháo được gửi đến Ukraine sẽ trở nên nhiều hơn số đạn bom chùm.
Trong tháng này, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth cho biết, các quan chức trong Quân đội Mỹ, đơn vị chịu trách nhiệm mua sắm đạn pháo 155mm, đang tiến hành "nhanh nhất có thể" để tăng tốc độ sản xuất.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thể tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine trong một thời gian dài. Tôi nghĩ có lẽ họ cũng sẽ tiếp tục sử dụng các loại bom, đạn chùm trong một thời gian nữa", bà Wormut nói với các phóng viên.
Mặc dù cuộc phản công mùa hè của Ukraine chỉ mới bắt đầu được vài tháng, nhưng các quan chức quốc phòng đã hướng tới một chiến dịch mùa đông, khi khả năng giao tranh tạm lắng có thể cho phép Mỹ và các đồng minh "bắt kịp" đà sản xuất.
Nhưng Moscow cũng sẽ không ngồi yên. Chiến sự gián đoạn có thể cho phép các lực lượng Nga tái vũ trang và củng cố tuyến phòng thủ của họ.
Hồi chuông cảnh tỉnh cho Mỹ?
Cuộc chiến Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những quốc gia ủng hộ Kiev trên khắp phương Tây, nơi các quan chức nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng cường kho dự trữ vũ khí của chính họ.
Các quan chức NATO đã tự hỏi liệu liên minh phương Tây có thể duy trì một cuộc chiến tranh quy ước lớn trong bao lâu?
Họ cũng cảnh báo một số hợp đồng được ký kết để bổ sung nguồn cung cấp của Mỹ hoặc sản xuất vũ khí cụ thể cho Ukraine đã được hoàn tất sau 30 ngày hoặc ít hơn, bao gồm các thỏa thuận chế tạo UAV Switchblade và Phoenix Ghost cũng như hệ thống phòng không NASAM. Họ cũng đang lần đầu tiên sử dụng các hợp đồng nhiều năm cho đạn dược.
Các chuyên gia cho biết, việc bổ sung kho vũ khí của Mỹ sẽ đòi hỏi việc phải tìm kiếm các vật liệu chế tạo vũ khí cơ bản. Đây là vấn đề phức tạp do khan hiếm hóa chất và chất nổ trên toàn cầu. Mỹ không còn sản xuất TNT và kể từ đó đã chuyển sang một chất thay thế gọi là IMX, chất nổ cung cấp năng lượng với ít nguy cơ phát nổ bất ngờ hơn.
Và thực tế là khi chạy đua vũ trang cho Ukraine, Mỹ đối mặt với những rạn nứt về năng lực sản xuất.
Nhưng nhu cầu gia tăng đáng kể về sản lượng vỏ đạn đã thúc đẩy Mỹ phải tìm kiếm các nhà cung cấp TNT mới trên toàn cầu. Ba Lan là nguồn cung cấp chính nhưng Lầu Năm Góc đang làm việc với các đồng minh và đối tác để tăng nguồn cung cấp, có khả năng bao gồm cả từ Nhật Bản.
Washington có kho dự trữ chất nổ tốt. Nhưng khi các nhà máy sản xuất nhiều đạn hơn thì nguy cơ thiếu hụt và cạn kiệt là ngay trước mắt, một quan chức quốc phòng khác cho biết.
Martin Vencl, phát ngôn viên của công ty Explosia thuộc sở hữu nhà nước của Cộng hòa Czech, công ty sản xuất nhiên liệu đẩy, cảnh báo về tình trạng khan hiếm của các nguyên liệu thô liên quan, chẳng hạn như nitroglycerin và nitrocellulose.
Ông cho biết thêm, công ty đang hoạt động hết công suất để sản xuất nhiên liệu đẩy cho đạn 155mm, nhưng cần đầu tư dài hạn để tăng gấp đôi sản lượng, điều mà công ty hy vọng sẽ đạt được vào năm 2026.
Theo ông Camille Grand, cựu trợ lý Tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng, các cuộc xung đột gần đây ở Afghanistan và Iraq không tiêu thụ số đạn pháo với tốc độ quá nhanh như cuộc chiến ở Ukraine. "Tất cả chúng tôi đang học lại ý nghĩa của việc sản xuất hàng loạt đạn dược", chuyên gia Grand cho biết.
Grand cho biết, việc một số quốc gia châu Âu ít dự trữ đạn dược là do chiến lược chuyển quỹ quốc phòng hạn chế cho các mặt hàng đắt tiền như máy bay phản lực và xe tăng chiến đấu chủ lực.
Các quốc gia châu Âu đang cố gắng khắc phục vấn đề đó. Mùa hè này, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một kế hoạch gồm 3 mục tiêu cuối cùng nhằm sản xuất 650.000 viên đạn cỡ nòng lớn mỗi năm và cam kết cung cấp 1 triệu viên đạn pháo cho Ukraine trong một nỗ lực chung trong vòng 12 tháng tới.
Nhưng ông Grand cho biết trở ngại lớn nhất vẫn là vấn đề thời gian. Ông nói: "Thật tốt và vui khi biết rằng 5 năm nữa, chúng ta sẽ có thể tăng cường sản xuất và nạp đầy kho dự trữ. Nhưng trong lúc này, Ukraine đang thiếu hụt nguồn lực và chúng ta sẽ gặp rắc rối".