1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO đánh giá sai về tiềm lực của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tổng tư lệnh quân đội Estonia Martin Herem thừa nhận liên minh NATO từng đánh giá thấp tiềm lực quân sự của Nga.

NATO đánh giá sai về tiềm lực của Nga - 1

Quân đội Nga trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: BI).

Tướng Herem cho biết NATO đã đánh giá thấp đáng kể khả năng của Nga trong việc bổ sung nhân lực và sản xuất đạn dược cho lực lượng vũ trang của Moscow.

Trong bài trả lời phỏng vấn Bloomberg, người đứng đầu quân đội Estonia, một thành viên NATO, tiết lộ rằng thông tin tình báo mới về khả năng của Nga đã khiến liên minh quân sự phương Tây phải tiến hành đánh giá lại về đối thủ.

Ông cho biết, trái ngược với những dự đoán trước đó, Nga hiện có thể sản xuất vài triệu quả đạn pháo mỗi năm và tuyển mộ hàng trăm nghìn binh sĩ.

"Rất nhiều người nghĩ rằng họ không thể vượt xa được cột mốc đó nhưng sự thật lại cho chúng ta thấy điều ngược lại", ông Herem nói với Bloomberg.

Ông nói thêm: "Họ thậm chí có thể sản xuất nhiều hơn - gấp nhiều lần - đạn dược".

Vào tháng 7/2023, Đô đốc Tony Radakin, cựu chỉ huy của lực lượng vũ trang Anh, nói rằng trong kịch bản tốt nhất, Nga sẽ sản xuất 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm.

Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 12/2023 ước tính Nga có thể cần tới 10 năm để sản xuất quốc phòng tiếp tế đủ cho lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, những nhận định đó đã thay đổi trong vài tháng qua, khi các chỉ huy quân sự, nhà phân tích và quan chức NATO cảnh báo về năng lực ngày càng tăng của Nga.

Vào tháng 9 năm ngoái, một quan chức phương Tây giấu tên đã cảnh báo rằng Nga có thể sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, theo Reuters.

Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ, cho biết rằng mặc dù có tổn thất đáng kể ở Ukraine, lực lượng mặt đất của Nga vẫn đông hơn so với khi họ mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Trong khi đó, nội bộ quốc hội Mỹ bất đồng đã dẫn tới viện trợ quân sự cho Ukraine bị trì hoãn. EU dường như khó đạt được mục tiêu gửi 1 triệu quả đạn cho Ukraine vào tháng 3.

Kết quả là Ukraine có ít nguồn cung hơn ở tiền tuyến và Kiev buộc phải giảm các hoạt động chiến đấu, chuyển sang phòng thủ co cụm.

Hồi đầu tuần, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành một "cuộc chiến về đạn dược".

Ông kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục nỗ lực bổ sung kho vũ khí của Ukraine.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng việc Kiev thiếu sự hỗ trợ của phương Tây sẽ dẫn đến sự thiếu hụt "rất lớn" về tên lửa phòng không, và thiếu pháo binh và sẽ dẫn tới rất nhiều người chết và bị thương.

"Ukraine sẽ gặp khó khăn, Ukraine sẽ suy yếu hơn và đây sẽ là cơ hội để Nga tấn công", ông Zelensky nói, cảnh báo rằng, xung đột ở Ukraine có thể phát triển thành cuộc chiến giữa NATO và Nga.

Theo chuyên gia Stephen Bryen tại Trung tâm Chính sách An ninh và Viện Yorktown (Mỹ), cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy, NATO dường như chưa có sự chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn, nhất là trước một đối thủ mạnh như Moscow.

Một ví dụ cụ thể nhất chính là năng lực sản xuất quốc phòng. Khối phương Tây đã dồn hàng loạt vũ khí, khí tài trong kho tới Ukraine trong hơn 23 tháng qua và nhiều quốc gia đã đối mặt với tình trạng cạn kiệt đạn dược.

Tuy nhiên, năng lực sản xuất bù đắp của phương Tây còn là một dấu hỏi lớn. Các ngành công nghiệp của họ không ở trong giai đoạn thời chiến trong hàng chục năm và việc tăng tốc sản xuất vũ khí cho Ukraine hay để bảo vệ an ninh quốc gia của các nước này cũng như của khối là một dấu hỏi lớn.

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine