Hungary, NATO nêu ra cách chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Hungary kêu gọi ngừng tất cả viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, trong khi Tổng thư ký NATO muốn Kiev tiếp tục nhận thêm vũ khí.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Express của Áo hôm 16/1, khi được hỏi nên làm gì để đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết việc chấm dứt các lô vũ khí nước ngoài viện trợ cho Kiev là ưu tiên hàng đầu.
"Càng cung cấp nhiều vũ khí, chiến tranh càng kéo dài. Chiến tranh càng kéo dài, càng có nhiều người chết. Rõ ràng là những gì đã làm cho đến nay vẫn chưa thành công. Nhiều vũ khí được chuyển giao nhưng chiến tranh chỉ kéo dài. Rất nhiều tiền đã được chi cho Ukraine, nhưng sự tàn phá ở Ukraine vẫn tiếp tục", ông Szijjarto nói.
Đề cập đến khả năng quân đội Nga sẽ "tiến tới Kiev" trong trường hợp Ukraine "không có khả năng tự vệ", nhà ngoại giao Hungary cho biết điều này chỉ có thể tránh được bằng các cuộc đàm phán và một tiến trình hòa bình mới.
"Điều này cần được ngăn chặn bằng cách kết thúc chiến tranh ngay bây giờ. Chừng nào điều này không xảy ra, chiến tranh có nguy cơ ngày càng khốc liệt hơn và nhiều người có nguy cơ thiệt mạng. Cuộc chiến lẽ ra đã kết thúc từ hôm qua", ông nói.
Ông Szijjarto cho rằng cần đối thoại nhiều hơn giữa các bên tham chiến cũng như các quốc gia sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán, đồng thời cho biết "yêu cầu quan trọng nhất là giữ cho các kênh liên lạc luôn mở".
Theo ngoại trưởng Hungary, các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng không thể "khiến nền kinh tế Nga suy sụp" như dự tính, đồng thời cho thấy cách tiếp cận quyết liệt hơn đã phản tác dụng và không thể chấm dứt cuộc giao tranh.
Hungary nằm trong số ít quốc gia EU từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt hoặc cung cấp vũ khí cho lực lượng Ukraine, thay vào đó chọn duy trì quan hệ với Moscow. Bất chấp áp lực từ các thành viên khác trong khối, Thủ tướng Viktor Orban đã từ chối phê duyệt gói viện trợ mới nhất của Brussels dành cho Kiev, khiến gói viện trợ này bị trì hoãn từ tháng 12.
Nhà lãnh đạo Hungary cũng dọa phủ quyết việc Ukraine gia nhập liên minh, cho rằng điều này gây ra nhiều rủi ro cho khối và nền kinh tế của Hungary, trong bối cảnh Kiev đang "trong tình trạng chiến tranh".
NATO lên tiếng về xung đột Ukraine
"Đến một giai đoạn nào đó, Nga sẽ hiểu rằng họ đang phải trả một cái giá quá đắt và phải ngồi xuống, đồng ý về một kiểu hòa bình công bằng nào đó, nhưng chúng ta vẫn phải đứng về phía Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại diễn đàn Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 16/1.
"Nếu chúng ta muốn điều đó xảy ra, một kết thúc hòa bình cho cuộc chiến này, thì cách để đạt được điều đó là cấp thêm vũ khí cho Ukraine", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ông Stoltenberg thừa nhận tình hình trên chiến trường Ukraine "vô cùng khó khăn".
"Nga đang tấn công trên nhiều mặt trận. Tất nhiên, cuộc phản công quy mô lớn mà Ukraine phát động vào mùa hè năm ngoái đã không mang lại kết quả như tất cả chúng ta mong đợi", ông Stoltenberg nói.
"Nga đang tiến công mạnh. Điều này rất nghiêm trọng và chúng ta không bao giờ nên đánh giá thấp Nga", ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho rằng vẫn có lý do để lạc quan, vì Kiev không bị kiểm soát trong vòng vài ngày như "hầu hết các chuyên gia (phương Tây) dự đoán" vào năm 2022. Ông mô tả đây là một "chiến thắng lớn" cho Ukraine khi nước này "vẫn tồn tại như một quốc gia độc lập có chủ quyền".
Theo Tổng thư ký NATO, Nga đã thua trong cuộc chiến vì muốn "kiểm soát Ukraine" và Ukraine hiện "muốn trở thành một phần của phương Tây, của Liên minh châu Âu và NATO, và họ đang gần với chúng tôi hơn bao giờ hết".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng, ông không muốn cuộc chiến hiện nay trở thành một cuộc xung đột đóng băng.
"Bất kỳ cuộc xung đột đóng băng nào cuối cùng cũng sẽ bùng phát trở lại", ông Zelensky nói.
Tuy nhiên, ông Zelensky thừa nhận thỉnh thoảng ông được hỏi về khả năng bắt đầu đàm phán với Nga.
Ông nhớ lại "những nỗ lực nhằm đóng băng" cuộc xung đột ở Donbass sau năm 2014, nhưng không thừa nhận việc chính phủ Kiev đã từ chối tôn trọng các cam kết của mình theo Hiệp định Minsk, được các bên thông qua và công nhận là cơ sở cho giải pháp hòa bình.
Kiev đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow, yêu cầu Nga rút hoàn toàn quân khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Moscow nhấn mạnh, Ukraine phải chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới" hay công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần hối thúc các thành viên liên minh tiếp tục hỗ trợ để Kiev có thể giành chiến thắng trên chiến trường, từ đó có ưu thế trên bàn đàm phán với Nga.
Moscow từ lâu cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO trang bị vũ khí cho Ukraine, biến họ thành quân bài để đối đầu với Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng, xung đột ở Ukraine thực chất là cuộc đối đầu giữa Nga và toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây.