1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO cảnh báo không đánh giá thấp Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thư ký NATO cho rằng không nên đánh giá thấp Nga và Moscow chưa từ bỏ kế hoạch kiểm soát Ukraine.

NATO cảnh báo không đánh giá thấp Nga - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: AP).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn dpa, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết "không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thay đổi mục tiêu tổng thể của mình trong cuộc chiến này", đó là "kiểm soát Ukraine".

Ông Stoltenberg nói rằng, Nga đã huy động "nhiều binh lính mới" và "thể hiện sự sẵn sàng chịu đựng những tổn thất đau đớn".

"Đây chưa phải là kết thúc. Chiến tranh không thể đoán trước, nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho một chặng đường dài và cả những cuộc tấn công mới của Nga. Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga", Tổng thư ký NATO nói.

Người đứng đầu NATO kêu gọi các đồng minh hỗ trợ quân sự cho Ukraine "để thuyết phục Tổng thống Putin rằng ông sẽ không đạt được mục tiêu kiểm soát Ukraine".

"Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng hỗ trợ quân sự cho Ukraine là con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình. Chúng tôi biết rằng hầu hết các cuộc chiến đều kết thúc trên bàn đàm phán, có lẽ cuộc chiến này cũng vậy, nhưng chúng tôi biết rằng những gì Ukraine có thể đạt được trong các cuộc đàm phán này phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình quân sự. Vì vậy, nếu muốn một giải pháp hòa bình để đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia dân chủ độc lập, thì cách tốt nhất để đạt được điều đó là hỗ trợ quân sự cho Ukraine", ông Stoltenberg tuyên bố.

Các nước thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, liên tục cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Những nước này tuyên bố sẽ hỗ trợ đến chừng nào cần thiết để giúp Kiev khôi phục lãnh thổ.

Lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, khẳng định không thúc ép Kiev đàm phán, song sẽ giúp nước này có giành những thắng lợi trên chiến trường để có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán.

Kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã viện trợ an ninh hàng tỷ USD cho Kiev. Theo New York Times, ước tính các nước NATO đã chuyển giao vũ khí trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, tương đương với ngân sách quân sự hàng năm của Pháp.

Tổng thư ký NATO hồi tháng 10 thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ông kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.

Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay. Khi đó, Mỹ và đồng minh có thể gây sức ép để Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.

Nga nhiều lần tuyên bố nước này đang phải đối đầu với cả NATO ở Ukraine, đồng thời cảnh báo bất cứ vũ khí nào của phương Tây vào Ukraine đều trở thành mục tiêu phá hủy hoặc tịch thu của Nga.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine