Tương lai mờ mịt của các gia đình tháo chạy khỏi binh biến ở Myanmar
(Dân trí) - Nhiều gia đình Myanmar đang đối mặt với một tương lai mù mịt sau khi tìm đường sang Ấn Độ để tránh tình hình bạo lực kể từ sau cuộc binh biến ngày 1/2.
Kể lại hành trình tìm đường lánh binh biến ở quê nhà, một phụ nữ Myanmar 36 tuổi cho biết, cô bị cảnh sát phát hiện khi sắp đặt chân sang biên giới Ấn Độ. Cô đã rời quê nhà ở Myanmar vào một buổi tối đầu tháng 3 cùng chồng và cô con gái 5 tuổi. Họ vội vã rời đi, chỉ mang theo quần áo và tiền mặt đủ dùng cho khoảng 2 đến 3 ngày.
Dù vội vã những họ vẫn rất thận trọng để không bị phát hiện và cũng bởi cô đang mang bầu 6 tháng còn chồng cô là sĩ quan cảnh sát bỏ ngành sau các cuộc đụng độ gần đây giữa lực lượng an ninh Myanmar với người biểu tình. Họ di chuyển vào ban đêm để né lực lượng tuần tra của quân đội, còn ban ngày họ men theo những con đường ít người qua lại. Họ đã đi như thế gần 200 km mà không bị phát hiện cho đến ngày thứ 3 khi sắp đặt chân đến biên giới Ấn Độ.
"Họ truy lùng chúng tôi khắp thành phố. Khi chúng tôi sắp đặt chân sang biên giới Ấn Độ, thì cảnh sát Myanmar đã truy đuổi ngay phía sau", cô nói. Cô kể tiếp, ngay lập tức, cả gia đình cô ra sức chạy, tìm cách để vượt biên sang bang Mizoram của Ấn Độ và cuối cùng tất cả đều an toàn.
Gia đình của người phụ nữ này chỉ là ba trong số hàng trăm công dân Myanmar, trong đó có cả các sĩ quan cảnh sát và quan chức chính phủ, đã chạy sang Mizoram kể từ cuộc binh biến ngày 1/2. Mặc dù Mizoram và Myanmar có chung đường biên dài khoảng 510km, nhưng cửa khẩu chính ở đây đã đóng cửa nhiều tháng qua do dịch Covid-19. Địa hình hiểm trở và phức tạp khiến nhiều người Myanmar khi muốn vượt biên sang Ấn Độ an toàn gần như đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà hoạt động. Nhiều người hiện được người thân hoặc người địa phương ở Mizoram cưu mang.
"Về tình mà nói, chúng tôi không thể trục xuất họ trở lại Myanmar... Họ không phải tội phạm", một quan chức bang Mizoram nói.
Đến nay chính phủ Ấn Độ chưa công khai thông báo biện pháp xử lý đối với những công dân Myanmar vượt biên trong thời gian tới cũng như liệu họ có đáp ứng đề nghị của giới chức Myanmar về việc trục xuất các sĩ quan cảnh sát bỏ ngành hay không. Điều này khiến tương lai của các gia đình như gia đình của người phụ nữ trên càng mờ mịt. "Chúng tôi không thể tùy tiện nói hay làm gì, chúng tôi phải sống trong sợ hãi. Nếu đất nước hòa bình, chúng tôi sẵn sàng trở lại. Ngược lại, chúng tôi không còn đường về", người phụ nữ chia sẻ.
Gia đình cô hiện sống trong một căn phòng tại một trại tạm. Không có giường, họ ngủ trên một tấm vải trải trên một tấm bạt trên sàn nhà. Căn phòng gần như trống đồ đạc, chỉ vỏn vẹn một chiếc bàn nhỏ. "Không nhiều, nhưng tôi cảm thấy an toàn và yên bình hơn", người phụ nữ nói. Mặc dù vậy, không biết chuyện gì có thể xảy đến với gia đình nhỏ của cô trong vài tháng tới khi cô sắp sinh em bé thứ hai. Cô chia sẻ thêm: "Tôi rất nhớ bố mẹ và gia đình mình. Tôi muốn đoàn tụ với họ. Chúng tôi không muốn là những người tị nạn. Chúng tôi muốn được về nhà".
"Mặc dù thân xác họ đã ở Mizoram, nhưng tâm trí họ vẫn ở Myanmar, họ không cảm thấy thư thái hoàn toàn. Họ vẫn nghĩ về nhà cửa, ruộng vườn, gia sản và người thân của họ", một nhà hoạt động cho biết.
Myanmar tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân sự, nắm quyền điều hành đất nước hôm 1/2. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar đến nay đã khiến gần 300 người thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt.