1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ trừng phạt hơn 300 nghị sĩ, 48 công ty quốc phòng Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ ngày 24/3 áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Moscow, nhắm mục tiêu vào các công ty quân sự, nghị sĩ và ngân hàng Nga.

Mỹ trừng phạt hơn 300 nghị sĩ, 48 công ty quốc phòng Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại họp báo ở trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ hôm 24/3 (Ảnh: AFP).

Trong nỗ lực mới nhất nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/3 đã công bố danh sách các thực thể và cá nhân bị Washington coi là "tác nhân chính" của chiến dịch quân sự và áp lệnh trừng phạt đối với họ.

"Danh sách bao gồm hàng chục công ty quốc phòng Nga, 328 thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga và lãnh đạo tổ chức tài chính lớn nhất của Nga. Hành động này phù hợp với các hành động tương tự của Liên minh châu Âu, Anh và Canada, đồng thời phản ánh sự thống nhất nhằm buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến", Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, các nghị sĩ Nga bị nhắm mục tiêu trừng phạt vì ủng hộ "nỗ lực của Điện Kremlin" trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó có việc công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk ở Đông Ukraine.

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc các công ty trong danh sách  trừng phạt đã sản xuất vũ khí để sử dụng trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong danh sách trừng phạt có hơn 40 công ty quốc phòng, bao gồm tập đoàn tên lửa chiến thuật thuộc sở hữu nhà nước Nga và 28 công ty có liên kết với tập đoàn này. Lãnh đạo của tập đoàn tên lửa cũng bị trừng phạt.

Bộ Tài chính cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 328 thành viên của Hạ viện, Quốc hội Nga và Herman Gref, lãnh đạo ngân hàng hàng đầu của Nga Sberbank. Washington cũng nhắm mục tiêu vào 17 thành viên hội đồng quản trị của Sovcombank, ngân hàng cũng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, tỷ phú Gennady Timchenko cùng các công ty và thành viên gia đình ông.

Sovcombank đã phản hồi trước thông tin trên, cho biết lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân và do vậy sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố khi Tổng thống Joe Biden đang có chuyến công du đến châu Âu và dự hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 24/3. Cùng ngày, ông Biden kêu gọi loại Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; bãi bỏ quy chế "tối huệ quốc"…

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ đã "tuyên chiến kinh tế" với Nga và "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông Peskov cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 19/3 khẳng định nền kinh tế Nga sẽ không bao giờ sụp đổ vì các lệnh trừng phạt. Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ông Putin khẳng định Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine