Mỹ nêu điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga
(Dân trí) - Quan chức Nhà Trắng đã nêu điều kiện để Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
"Chúng tôi vẫn chưa đến thời điểm đó (dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nga). Điều đầu tiên (lãnh đạo Nga) phải làm là dừng (cuộc xung đột) ở Ukraine. Điều đó vẫn chưa xảy ra", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh nói trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm 21/3.
"Ngoại trưởng (Mỹ) Antony Blinken nói điều kiện để chấm dứt sự cô lập về kinh tế đối với Nga là yêu cầu (Nga) phải ngừng xung đột", ông Singh nói thêm.
Theo ông Singh, mục tiêu của Mỹ là "thể hiện quyết tâm" rằng các lệnh trừng phạt phải có khả năng buộc Nga phải "trả giá đắt" do chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Quan chức Nhà Trắng cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng trừng phạt Nga.
"Chúng tôi có thể mở rộng các lệnh trừng phạt của chúng tôi. Thực hiện các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã áp đặt, triển khai chúng với nhiều mục tiêu hơn và áp dụng với nhiều lĩnh vực hơn", ông Singh nói.
Ông Singh cho biết, các lĩnh vực mà Mỹ có thể nhắm mục tiêu trừng phạt tới Nga gồm ngân hàng, dầu mỏ và khí đốt.
"Chủ yếu là về dầu và khí đốt, nhưng cũng có những lĩnh vực khác. Tôi không muốn nói rõ, nhưng tôi nghĩ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ biết đó là gì", ông Singh tuyên bố.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; bãi bỏ quy chế "tối huệ quốc"…
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét gói trừng phạt thứ 5 áp đặt lên Nga. Trong 3 tuần qua, 4 vòng trừng phạt của EU đã nhằm vào 685 cá nhân Nga và Belarus, cũng như hệ thống thương mại và tài chính của Nga. Tuy nhiên, EU vẫn đang đối mặt với những cân nhắc khó khăn liên quan tới việc liệu họ có nên trừng phạt dầu mỏ Nga hay không, do sự phụ thuộc hàng chục năm qua của châu Âu vào lĩnh vực nhiên liệu của Moscow.
Trước đó, Nga đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga có thể khiến nước này phải đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt lớn tới châu Âu. EU phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% lượng khí đốt của khối, trong đó Đức là một trong những nước phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt và dầu thô của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ đã "tuyên chiến kinh tế" với Nga và "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 19/3 khẳng định nền kinh tế Nga sẽ không bao giờ sụp đổ vì các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ông khẳng định Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.