Mỹ tính mua vũ khí cho Ukraine bằng tài sản đóng băng của Nga
(Dân trí) - Mỹ cho biết đang xem xét việc mua vũ khí do nước này sản xuất để cấp cho Ukraine bằng tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng.
Washington đang cân nhắc việc mua vũ khí Mỹ cho Ukraine bằng tiền thu được từ tài sản Nga bị phong tỏa, theo ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine và Nga.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã đề xuất với ông Trump rằng Kiev có thể mua vũ khí Mỹ bằng tài sản Nga bị phong tỏa. Ông bổ sung rằng đây có thể là "một trong những bảo đảm an ninh." Tuy nhiên, ông Zelensky không tiết lộ phản ứng của ông Trump đối với đề xuất này.
Phát biểu trên Fox News ngày 24/1, ông Kellogg nhận định, cách tiếp cận này có thể là một phần của giải pháp toàn diện nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
"Ý tưởng sử dụng tài sản Nga để phục vụ nhu cầu phòng thủ của Ukraine vẫn đang được cân nhắc. Chúng tôi đã nhiều lần thảo luận về việc sử dụng tài sản Nga bị phong tỏa để mua vũ khí Mỹ", ông Kellogg cho hay.
"Đây là một chủ đề cần được bàn thảo, và nó sẽ nằm trên bàn thảo luận với tổng thống. Nhưng đây không phải là giải pháp duy nhất. Tuy nhiên, đây là một điểm đáng chú ý và đáng để cân nhắc", ông nhấn mạnh.
Trong khi các quốc gia phương Tây đã phong tỏa 300 tỷ USD tài sản của Nga, họ chỉ có thể tiếp cận tiền lãi hàng năm từ khối tài sản này, vào khoảng 3,2 tỷ USD. Lợi nhuận từ số tiền này sẽ hỗ trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Kiev, trong khi phần lớn tài sản bị phong tỏa nằm ở các quốc gia châu Âu.
Liên minh châu Âu gần đây đã giải ngân 3 tỷ euro (3,09 tỷ USD) cho Ukraine như một phần của sáng kiến cho vay trị giá 50 tỷ USD của G7. Đóng góp 20 tỷ euro (20,6 tỷ USD) của EU cho chương trình này được tài trợ một phần từ tiền lãi phát sinh từ tài sản Nga bị phong tỏa.
Mỹ cũng đã đóng góp 20 tỷ USD vào chương trình hỗ trợ vay vốn, thể hiện nỗ lực phối hợp của phương Tây trong việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine, đồng thời tận dụng tài sản của Nga.
Một cuộc thăm dò gần đây do truyền thông Mỹ thực hiện cho thấy phần đông người dân nước này tin rằng Washington đang chi quá nhiều tiền cho Ukraine.
Theo kết quả khảo sát của New York Times/Ipsos, 51% số người được hỏi cho rằng Mỹ đang "chi tiêu quá nhiều" cho Kiev, trong khi 28% cho rằng mức chi hiện tại là hợp lý. Chỉ 17% cho rằng Mỹ nên tăng thêm chi tiêu cho Ukraine.
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tổng cộng hơn 175 tỷ USD viện trợ cho Kiev kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào tháng 2/2022, trong đó 65,9 tỷ USD là viện trợ quân sự trực tiếp, theo dữ liệu mới nhất từ Lầu Năm Góc.
Việc Mỹ chi tiêu cho Ukraine gần đây đã bị tân Ngoại trưởng Marco Rubio chỉ trích. Trong phát biểu trước đó, ông Rubio tuyên bố rằng Mỹ không nên tiếp tục hỗ trợ vô thời hạn cho Kiev và chỉ trích chính quyền ông Biden vì không làm rõ mục tiêu cuối cùng của các khoản tiền đang được đổ vào cuộc chiến.