1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO phải chi bao nhiêu nếu đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia ước tính chi phí trung bình mà NATO phải chi nếu đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine như đề xuất của Kiev.

NATO phải chi bao nhiêu nếu đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine? - 1

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận của NATO (Ảnh: AFP).

Để thực thi một thỏa thuận hòa bình, Kiev sẽ cần đến ít nhất là 200.000 binh lính châu Âu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trên các mặt trận phía Đông của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận định hôm 21/1.

Theo chuyên gia Mỹ John Kavulich từ tổ chức Issue Insight, việc triển khai một lực lượng gồm 200.000 binh sĩ từ các quốc gia thành viên NATO ở châu Âu ở Ukraine sẽ tiêu tốn lên tới 55 tỷ USD mỗi năm.

Ông dự đoán, nếu NATO thảo luận về kịch bản này, thì "sẽ có sự phản đối đáng kể đối với việc cấp ngân sách từ một số quốc gia trong 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu, và có khả năng từ các nhà lãnh đạo của EU cũng như Ủy ban châu Âu".

Theo ông Kavulich, Lầu Năm Góc và NATO ước tính chi phí trung bình để duy trì một quân nhân ở ngoài khu vực chiến sự là 140.000 USD mỗi năm. Theo công thức này, một lực lượng gồm 200.000 binh sĩ sẽ tốn khoảng 28 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, các chi phí trực tiếp tại hiện trường có thể cao gấp đôi, vượt quá 55 tỷ USD mỗi năm đối với một lực lượng quy mô lớn như vậy.

"Ban lãnh đạo NATO tại Brussels, Bỉ, có thể sẽ ủng hộ điều này vì các đợt triển khai quân sự như vậy giúp duy trì sự quan trọng và vai trò của tổ chức", ông Kavulich phỏng đoán.

Tuy nhiên, chuyên gia trên dự đoán rằng các nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên NATO sẽ chia rẽ vì chắc chắn sẽ có những bên phản đối ý tưởng này.

"Một vấn đề khác sẽ là các quốc gia nào sẵn sàng triển khai quân đội và đối mặt với nguy cơ binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng, ngay cả trong trường hợp tai nạn. Các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ sẽ không muốn chứng kiến việc binh sĩ của họ trở về trong quan tài, vì điều đó có thể là một đòn chí mạng về chính trị", ông Kavulich giải thích.

Trước đó, đã có nhiều suy đoán về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại các tuyến phân cách giữa Ukraine và Nga, nhưng chỉ sau khi lệnh ngừng bắn được thực thi.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitriy Peskov trước đó cho biết sự xuất hiện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại Ukraine có thể gây ra những hậu quả rất tiêu cực, thậm chí không thể đảo ngược.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 23/1 cho biết, các cuộc đàm phán của Kiev với đồng minh về khả năng triển khai một lực lượng quân sự nước ngoài ở Ukraine như một biện pháp bảo đảm an ninh vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa tập trung vào con số cụ thể.

Ukraine đang tìm kiếm các đảm bảo an ninh từ các đồng minh như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt xung đột kéo dài gần 3 năm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg, ông Zelensky cho biết, số binh sĩ mà nước ngoài triển khai tại nước này có thể sẽ phụ thuộc vào quy mô quân đội của Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Heorhii Tykhyi cũng nhấn mạnh rằng "quá sớm để nói về con số cụ thể" và lực lượng quân sự nước ngoài sẽ chỉ là một phần trong các đảm bảo an ninh toàn diện hơn.

"Chúng tôi cho rằng các đảm bảo an ninh bền vững, đáng tin cậy cho Ukraine phải bao gồm cả châu Âu và Mỹ. Đây là cách chúng tôi đảm bảo hòa bình lâu dài và bền vững", ông Tykhyi cho biết.

Theo Tass, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine