1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ tính đưa tổ hợp tên lửa Patriot tới sát vách Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ sẽ đưa 2 tổ hợp tên lửa Patriot tới Ba Lan để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào các đồng minh của Washington.

Mỹ tính đưa tổ hợp tên lửa Patriot tới sát vách Nga - 1

Hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 (Ảnh: Army.mil).

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh châu Âu (EUCOM) của Mỹ Adam Miller ngày 8/3 cho biết, Mỹ sẽ triển khai 2 tổ hợp tên lửa Patriot tới Ba Lan như một biện pháp "phòng thủ" để đối phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào nhằm các đồng minh của Mỹ và NATO, trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng và theo đề nghị của đồng minh Ba Lan, Tướng Wolters, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu, đã chỉ đạo quân đội Mỹ bố trí 2 tổ hợp Patriot tới Ba Lan", Đại úy Adam Miller cho biết.

"Đây là giải pháp bảo vệ lực lượng thận trọng nhằm củng cố cam kết của chúng tôi đối với Điều 5 (Hiến chương NATO) và sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào", tuyên bố của EUCOM cho biết, đề cập đến nguyên tắc một cuộc tấn công nhằm vào thành viên của NATO đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của khối.

"Mỗi bước chúng tôi thực hiện đều nhằm ngăn chặn hành vi gây hấn và trấn an các đồng minh của chúng tôi", tuyên bố cho biết thêm.

Hệ thống Patriot được thiết kế nhằm tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, các loại máy bay tiên tiến và tên lửa hành trình.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này sẵn sàng chuyển giao tất cả máy bay chiến đấu MiG-29 cho Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc Washington có quyền chuyển giao MiG-29 cho Ukraine theo đề nghị hỗ trợ của Kiev.

"Chính phủ Ba Lan sẵn sàng triển khai, ngay lập tức và miễn phí, tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 đến căn cứ không quân Ramstein để Mỹ quản lý việc sử dụng chúng", Bộ Ngoại giao Ba Lan thông báo. Ramstein là căn cứ không quân của Mỹ tại Đức.

Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ đề xuất trên của Ba Lan. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết việc Mỹ điều động máy bay chiến đấu từ căn cứ của Mỹ hoặc NATO ở Đức để bay vào không phận đang tranh chấp giữa Nga và Ukraine "sẽ làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với các đồng minh NATO".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn Ba Lan và các đồng minh NATO khác về vấn đề này cũng như những thách thức khó khăn về hậu cần được đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề xuất của Ba Lan là một đề xuất khả thi", Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết.

Ba Lan được cho là đã đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về một thỏa thuận 3 bên, trong đó Ba Lan sẽ cung cấp các máy bay chiến đấu cho Ukraine, với điều kiện Mỹ sẽ cung cấp cho lực lượng không quân Ba Lan các máy bay chiến đấu mới hơn của Mỹ.

Ngoại trưởng Ba Lan cho biết nước này đề nghị Mỹ "cung cấp các máy bay đã qua sử dụng, có khả năng hoạt động tương ứng và thiết lập ngay các điều kiện mua máy bay". Ba Lan kêu gọi các nước đồng minh NATO khác, những nước cũng sở hữu MiG-29, có động thái tương tự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu để giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo, bất kỳ quốc gia nào mở cửa sân bay cho các máy bay chiến đấu Ukraine sử dụng để chống lại Nga sẽ bị Moscow coi là một bên liên quan đến xung đột.

Theo Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine