1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ tìm cách dẫn độ Snowden, hối thúc Hồng Kông sớm hành động

(Dân trí) - Nhà Trắng đã liên lạc với Hồng Kông để dẫn độ cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người đã tiết lộ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

Cựu nhân viên CIA Edward Snowden.

Chính quyền Obama xác nhận với báo chí Anh rằng Washington đã yêu cầu giao nộp Snowden theo một thỏa thuận giữa Mỹ và đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho hay nếu Hồng Kông không hành động sớm có thể "làm phức tạp các mối quan hệ".
 
"Nếu Hồng Kông không hành động sớm, điều đó có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ song phương và gây ra những ngờ vực về cam kết của Hồng Kông đối với pháp quyền", quan chức trên cảnh báo.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon nói với hãng tin CBS rằng Washington có "cơ hội tốt" để đưa Snowden về Mỹ nhằm đối mặt với tòa án và hi vọng Hồng Kông sẽ tuân thủ hiệp ước dẫn độ với Mỹ.

"Chúng tôi đã liên lạc với giới chức Hồng Kông để tìm cách dẫn độ Snowden về Mỹ", ông Donilon nói. 

Ông Donilon nói thêm rằng giới chức thực thi luật pháp Mỹ đã "điện đàm" với giới chức Hồng Kông về vấn đề này. 

Một quan chức cấp cao về thực thi pháp luật Mỹ cho hay việc dẫn độ "chắc chắn là một cuộc chiến pháp lý kéo dài" nhưng bày tỏ lạc quan rằng Snowden sẽ bị đưa về Mỹ.

Hồi tháng 5, Snowden đã chạy tới Hồng Kông sau khi tiết lộ các chi tiết vè chương trình theo dõi điện thoại và internet của chính phủ Mỹ.

Bộ tư pháp Mỹ đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với cựu chuyên gia phân tích của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), trong đó có tội danh làm gián điệp và đánh cắp tài sản chính phủ.

Đơn kiện hình sự đã được gửi lên tại một tòa án liên bang ở quận Đông của Virginia và lệnh bắt giữ tạm thời đã được đưa ra.

Ảnh hưởng của Bắc Kinh

Snowden đã rời một khách sạn ở Hồng Kông hôm 10/6 sau khi cho phép các tờ nêu tên anh này là nguồn tiết lộ thông tin. Hiện không rõ nơi ở hiện tại của Snowden.

Hồng Kông, một đặc khu hành chính của Trung Quốc, đã ký một hiệp ước dẫn độ với Mỹ vào năm 1998.

Hồng Kông có hệ thống luật pháp riêng biệt với Trung Quốc đại lục và quyền chống án của Snowden có thể trì hoãn vài năm bất kỳ thủ tục dẫn độ nào trong tương lai.

Một số chính trị gia Hồng Kông đã bày sự ủng hộ đối với Snowden.

Nghị sĩ cánh tả Leung Kwok-hung cho rằng Bắc Kinh có thể yêu cầu giới chức Hồng Kông bảo vệ Snowden khỏi việc dẫn độ và người dân Hồng Kông có thể "xuống đường" để bảo vệ anh này.

Phóng viên của hãng tin BBC tại Hồng Kông cho rằng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không can thiệp vào giai đoạn đầu của một cuộc chiến pháp lý kéo dài.

Những rò rỉ của Snowden tiết lộ rằng các cơ quan chính phủ Mỹ đã thường xuyên thu thập các khối lượng lớn dữ liệu điện thoại và internet trong khôn khổ một chương trình của NSA có tên gọi Prism.

Snowden cũng cáo buộc rằng tình báo Mỹ đã xâm nhập vào các mạng máy tính Trung Quốc.

Cựu nhân viên CIA cho biết anh quyết định tiết lộ sau khi nhìn thấy "những lời nói dối liên tiếp" từ các giới chức cấp cao và quốc hội Mỹ.

Giới chức Mỹ sau đó đã phải lên tiếng bảo vệ việc thu thập dữ liệu điện thoại và internet từ người sử dụng tư nhân khắp thế giới.

Họ nói rằng chương trình Prism không cố ý nhắm vào bất kỳ công dân Mỹ nào hay bất kỳ ai khác tại Mỹ và rằng việc này đã được các tòa án giám sát.

Giới chức Mỹ nói rằng những thông tin do NSA thu thập đã giúp chính phủ Mỹ ngăn chặn hàng chục âm mưu khủng bố và rằng hành động của Snowden gây tổn hại tới an ninh quốc gia.

An Bình
Tổng hợp